Bộ GTVT vừa có văn bản trả lời Hiệp hội Vận tải TP.HCM về các vấn đề liên quan đến trạm BOT Cai Lậy.
Theo Bộ này, khi nghiên cứu phương án mở rộng quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy từ 4 làn xe lên 6 làn xe, các đơn vị liên quan thấy kinh phí đầu tư quá lớn khi phải giải phóng mặt bằng dân cư đông đúc hai bên đường.
Nếu mở rộng quốc lộ 1 qua khu đông dân cư thì tốc độ khai thác chỉ được 60 km/h, còn tuyến tránh có tốc độ 80 km/h.
Đặc biệt, nếu chỉ mở rộng quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy thì tất cả xe cộ đi trên quốc lộ 1 sẽ phải mất phí, tổng chi phí người dân phải trả lớn hơn.
Vì vậy, chỉ còn phương án đầu tư tuyến tránh và phương án đầu tư tuyến tránh kết hợp cải tạo mặt đường quốc lộ 1, đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1. Việc đặt trạm tại vị trí hiện tại sẽ đảm bảo thời gian hoàn vốn và hiệu quả tài chính dự án.
Vì vậy, tỉnh Tiền Giang đã thống nhất với Bộ GTVT về việc đặt trạm thu phí trên quốc lộ 1 khi cải tạo, tăng cường mặt đường dài hơn 26 km quốc lộ 1.
Về kiến nghị di dời Trạm thu phí BOT Cai Lậy, Bộ GTVT cho rằng nếu di dời trạm thì Nhà nước phải mua lại dự án của nhà đầu tư nhưng hiện nay ngân sách Nhà nước hạn hẹp, không có tiền làm việc này.
Trạm BOT Cai Lậy bắt đầu đi vào hoạt động từ 1/8. Cũng thời điểm này, nhiều lái xe đã dùng tiền lẻ trả phí khi đi qua trạm BOT Cai Lậy để phản đối.
Họ cho rằng việc chủ đầu tư đặt trạm BOT trên đường quốc lộ 1 để thu phí hoàn vốn tuyến tránh không hợp lý. Một số người khác thì cho rằng phí thu tại trạm BOT này quá cao.
Đến ngày 15/8, để tránh tắc đường, trạm BOT đã phải 4 lần xả trạm.
Sau cuộc họp ngày 16/8, Bộ GTVT đã quyết định giảm phí tại BOT Cai Lậy từ 21/8. Người dân có phương tiện quanh trạm được giảm 50% hoặc miễn hoàn toàn.
Đến nay, trạm BOT Cai Lậy vẫn chưa thu phí trở lại.
Nguồn: news.zing