Bên lề Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, sáng 26-9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tiếp bà Lucia Bergfeld, Bí thư thứ Nhất, Tham tán phát triển của Đại sứ quán Đức tại Việt Nam và Ông Jasper Abramowski, Giám đốc Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tại Việt Nam, Ông Dirk Pauschert-Giám đốc chương trình của GIZ.
Cùng dự buổi tiếp còn có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ Sơn Minh Thắng.
Qua bà Lucia Bergfeld, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gửi lời chúc mừng tới Cộng hoà Liên bang Đức vừa tổ chức thành công cuộc bầu cử Thủ tướng Đức. Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng bày tỏ cảm ơn những đóng góp, hỗ trợ của Chính phủ Đức cũng như Tổ chức GIZ dành cho Việt Nam từ những năm 1990 cho đến nay trong các lĩnh vực đào tạo nghề, năng lượng và bảo vệ môi trường/ứng phó với biến đổi khí hậu.
Các dự án do GIZ thực hiện đã góp phần hỗ trợ Chính phủ Việt Nam và các bộ ban ngành, các địa phương thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của mình.
Trong thời gian tới, để tránh trùng lặp trong hợp tác với các đối tác quốc tế dành cho Việt Nam và đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị phía Đức hỗ trợ kỹ thuật lập quy hoạch phát triển phù hợp với thế mạnh của từng địa phương và có sự liên kết vùng (nông nghiệp, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, thu hút đầu tư…) nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của Vùng.
Chính phủ Đức và GIZ tiếp tục hợp tác chính sách về bảo vệ môi trường, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu trong vùng ĐBSCL; hỗ trợ xây dựng hệ thống thông tin và trao đổi thông tin kinh tế — xã hội trên địa bàn, phục vụ cho xây dựng thể chế và điều phối hoạt động chung của Vùng.
Về lĩnh vực năng lượng tái tạo, Phó Thủ tướng đề nghị phía Đức hỗ trợ Việt Nam thực hiện nghiên cứu phân tích đánh giá đầy đủ chi tiết tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo tại ĐBSCL cho việc khai thác sản xuất năng lượng, để từ đó đề xuất các chính sách cơ chế hỗ trợ phù hợp nhằm khai thác tối đa và hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo; thực hiện một số dự án thí điểm cho các công nghệ mới sáng tạo lồng ghép giữa năng lượng tái tạo và nông nghiệp hoặc thủy sản.
Ngoài ra, để chống lại thiên tai như lũ lụt, xâm nhập mặn và xói lở bờ sông, Việt Nam mong muốn GIZ hỗ trợ nâng cao nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống thông tin về quản lý sử dụng tài nguyên thiên nhiên bền vững, tại chỗ và có cơ chế chia sẻ; hợp tác nghiên cứu các phương thức canh tác mới trong tình hình biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn và phức tạp hơn các dự báo trước đây ở ĐBSCL.
Bà Lucia Bergfeld khẳng định Chính phủ Đức sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam về các lĩnh vực tài chính (thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức) và kỹ thuật (qua Tổ chức GIZ). Các phiên đàm phán hợp tác Chính phủ đã diễn ra trong năm 2017 và đầu năm 2018 tới nhằm đối thoại, xây dựng kế hoạch hợp tác trong các năm tiếp theo ở cả cấp chiến lược và cấp thực hiện. Trong đó, Đức đặc biệt quan tâm tới lĩnh vực hợp tác bảo vệ môi trường, bờ biển là một trong 3 lĩnh vực hợp tác ở cấp chiến lược.
Nhân kỷ niệm Ngày Tái thiết nước Đức vào ngày 3-10-2017 tới, bà Lucia Bergfeld trân trọng gửi lời mời tới lãnh đạo Chính phủ Việt Nam tới dự buổi lễ sẽ được tổ chức tại Đại sứ quán Cộng hoà Liên bang Đức tại Hà Nội.
Cảm ơn lời mời của bà Lucia Bergfeld và sự hỗ trợ của Chính phủ Đức, Tổ chức GIZ đối với Việt Nam trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ: "Chính phủ Việt Nam coi trọng việc gìn giữ và phát triển mối quan hệ hợp tác chiến lược với Chính phủ Đức. Chúng tôi hân hạnh được dự Ngày Tái thiết nước Đức vào ngày 3-10 tới".
Tính tới nay, GIZ đang hỗ trợ ODA cho Việt Nam thực hiện 12 dự án trong các lĩnh vực đào tạo nghề, năng lượng và bảo vệ môi trường/ứng phó biến đổi khí hậu với tổng giá trị khoảng 85 triệu USD. Từ nay tới năm 2020, các dự án này sẽ lần lượt hoàn thành.
Nguồn: Người lao động