Theo ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Tài chính doanh nghiệp, câu chuyện cổ phần hóa tại Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) là một sự kiện "phơi bày nhiều góc khuất trong quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước", từ những vấn đề trong quy định tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược, xác định giá trị tài sản vô hình cho tới xử lý đất đai và xác định quyền sử dụng đất trong cách định giá doanh nghiệp.
Từ tâm điểm câu chuyện "đất vàng" quanh vụ lùm xùm tại VFS, đại diện Bộ Tài chính cho rằng việc đầu tiên là cần thực hiện sắp xếp lại danh mục đất đai, bất động sản thuộc quyền quản lý và sử dụng trước khi cổ phần hóa. Sau đó xem xét mục đích sử dụng để có phương án đánh giá, tránh những trường hợp thiếu sót trong quá trình định giá doanh nghiệp.
"Đất đai của Hãng Phim truyện quy hoạch như thế nào thì sử dụng như vậy. Nếu là xưởng phim, trường quay thì sẽ sử dụng làm xưởng phim trường quay; còn nếu thay đổi quy hoạch làm chung cư, siêu thị thì cần xin chuyển đổi, và khi đó phải đánh giá lại", ông Tiến cho biết.
"Đến thời điểm đó nếu doanh nghiệp sau cổ phần hóa thanh toán đủ cho Nhà nước theo phương án định giá mới thì mới được làm. Nếu không, tài sản này cần được thu hồi và đấu giá lại cho đơn vị khác", đại diện Bộ Tài chính khẳng định.
"Sẽ không có chuyện khiếu kiện nếu quy hoạch rõ ràng. Không thể chưa đối chiếu quy hoạch đất rõ ràng đã bán, cổ phần hóa doanh nghiệp. Mục đích sử dụng đất gắn với giá trị đất được xác định khi cổ phần hóa", ông Tiến đánh giá và nhìn nhận, trách nhiệm của các đơn vị tư vấn sẽ phải làm rõ điều này trong bản cáo bạch để tránh trường hợp hiểu sai.
Về việc xác định giá trị thương hiệu, lịch sử của doanh nghiệp, đại diện Bộ Tài chính cho rằng vấn đề nằm ở phương pháp đánh giá và trình độ của đơn vị tư vấn cổ phần hóa.
"Không thể sử dụng những phương pháp định giá như tài sản hay chiết khấu dòng tiền để tính toán giá trị thương hiệu. Để tránh sự thiếu sót, giá trị của doanh nghiệp có tài sản vô hình sau khi định giá phải lớn hơn giá trị sổ sách theo phương pháp tài sản", ông Tiến cho biết.
Với doanh nghiệp đặc thù có sở hữu trí tuệ hay kinh doanh trong lĩnh vực đặc biệt, dù trong tình cảnh thua lỗ nhưng có thể sẽ vẫn còn tiềm năng trong tương lai do chu kỳ kinh doanh không đúng thời điểm, vì vậy đơn vị tư vấn khi định giá cổ phần hóa phải tính đủ các giá trị.
Bên cạnh đó, đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định, với những ngành như xuất bản, sản xuất phim khi thu hút nhà đầu tư là các cổ đông chiến lược cần hoạt động trong cùng ngành nghề.
"Với những lĩnh vực này không phải ai có tiền muốn đầu tư vào cũng được", ông Tiến bày tỏ.
Các quy định trong dự thảo Nghị định đang được xây dựng cũng siết chặt tiêu chí lựa chọn cổ đông chiến lược để tránh việc cổ phần hóa không phục vụ cho quá trình phát triển. Đại diện Bộ Tài chính khẳng định sẽ có những chế tài với những cổ đông chiến lược không thực hiện đúng theo cam kết.
Nguồn: Vnexpress