Việt Nam sắp nhận tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 thứ ba
Báo chí Trung Quốc, Đài Loan và Mỹ mấy ngày gần đây rất quan tâm đến việc Việt Nam tăng cường năng lực quốc phòng, bao gồm chuẩn bị nhận chiếc tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 từ Nga vào tháng 10/2017.
Theo các nguồn tin từ Đài Loan, Việt Nam đã đặt mua 4 tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 của Nga vào năm 2007, trong đó 2 chiếc đầu tiên đã bàn giao vào năm 2011. Ngày 4/9, chiếc thứ ba đã được đưa lên tàu vận tải siêu trường siêu trọng Rolldock Star của Hà Lan, chuẩn bị chở về Việt Nam. Chiếc thứ tư dự kiến sẽ bàn giao vào tháng 11/2017.
Hai tàu trước đó đã trang bị cho Hải quân Việt Nam với các tên gọi là HQ-011 Đinh Tiên Hoàng và HQ-012 Lý Thái Tổ — đó là tên của những vị vua lập ra các vương triều thời Đinh và thời Lý ở Việt Nam.
Sau khi sở hữu những tàu hộ vệ này, Việt Nam đã thoát khỏi cục diện khó khăn chỉ dựa vào tàu tên lửa trước đây, phạm vi phòng thủ đã từ "gần bờ" mở rộng ra "biển gần".
Tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard 3.9 dài 102 m, rộng 13,1 m, lượng giãn nước 2.100 tấn, là tàu hộ vệ chuyên dùng để đối phó với các mục tiêu mặt nước, dưới nước và trên không.
Từ sau khi Nga quyết định sử dụng tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 20380 làm chủ lực, Nga đã chuyển sang xuất khẩu tàu hộ vệ lớp Gepard. Nhưng hiện nay, chỉ có Nga và Việt Nam sử dụng loại tàu này.
Trang tin Sohu Trung Quốc ngày 26/9 cho rằng Hải quân Việt Nam sắp được trang bị tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 thứ ba, thực lực tổng thể sẽ được nâng lên đáng kể.
Trong tương lai, Hải quân Việt Nam sẽ có một lực lượng tàu chiến mặt nước với chủ lực là tàu hộ vệ lớp Gepard và lực lượng dưới nước với chủ lực là tàu ngầm thông thường lớp Kilo. Những tàu chiến, tàu ngầm này đều mua của Nga.
Tàu hộ vệ lớp Gepard là tàu hộ vệ hạng nhẹ Type 11661 được chế tạo từ thời Liên Xô, có thể sử dụng nhiều loại vũ khí như tên lửa, ngư lôi, bom để thực hiện nhiệm vụ tác chiến. Mặc dù loại tàu này bắt đầu được nghiên cứu phát triển ngay từ thập niên 1980, nhưng do bị ảnh hưởng bởi nhiều nhân tố như Liên Xô giải thể, mãi đến năm 2003 chiếc tàu đầu tiên mới chính thức gia nhập Hải quân Nga.
Loại tàu này cùng với các tàu mới như Type 22350 là những tàu chiến chủ lực của Hải quân Nga. Tàu hộ vệ lớp Gepard mặc dù lượng giãn nước chỉ khoảng 2.000 tấn, nhưng là "hàng đẹp, giá rẻ", có vũ khí trang bị rất phong phú, tiên tiến, rất phù hợp với khách hàng như Việt Nam. Đến nay, Việt Nam vẫn là khách hàng duy nhất của loại tàu này.
Đánh giá về tàu hộ vệ lớp Gepard, báo chí Mỹ ngày 25/9 cho rằng lô tàu hộ vệ lớp Gepard thứ hai sắp bàn giao cho Việt Nam đã được thiết kế chú trọng vào nhiệm vụ tác chiến săn ngầm, đã trang bị tên lửa chống hạm tầm bắn trên 130 km. Hơn 1 năm trước, Nga từng sử dụng loại tàu này bắn tên lửa hành trình hạm đối đất Kalibr tấn công các mục tiêu khủng bố ở Syria gây chú ý cho dư luận.
Loại tàu hộ vệ này không chỉ giúp Việt Nam tăng cường khả năng săn ngầm trước các mối đe dọa dưới lòng biển khơi đang tăng lên trong khu vực, đồng thời còn có lợi cho Việt Nam phô diễn sức mạnh. Vào năm 2014, 2 tàu hộ vệ lớp Gepard của Hải quân Việt Nam đã lần lượt thăm Indonesia, Brunei và Philippines — một hoạt động quân sự mà trước đây Việt Nam chưa có.
Lô tàu hộ vệ lớp Gepard thứ hai bán cho Việt Nam được khởi công từ năm 2013, vốn có kế hoạch sử dụng động cơ của Ukraine. Nhưng do Ukraine chấm dứt hợp tác kỹ thuật quân sự với Nga, sau đó chuyển sang sử dụng động cơ Nga, làm cho thời hạn bàn giao tàu bị đẩy lùi. Hiện nay, Việt Nam và Nga đang thảo luận tiếp tục chế tạo lô tàu hộ vệ lớp Gepard thứ ba.
Vũ khí Nga giúp Việt Nam xây dựng đội quân tinh nhuệ
Việt Nam và Trung Quốc đều là khách hàng vũ khí chính của Nga. Kế tiếp sau Trung Quốc, Nga có thể bán hệ thống tên lửa phòng không S-400 và máy bay chiến đấu Su-35 cho Việt Nam. Nhưng rất nhiều nguồn vốn Việt Nam mua vũ khí Nga đến từ khoản vay từ chính phủ Nga.
Nga đã "hỗ trợ" Việt Nam xây dựng lực lượng tàu ngầm, đã bàn giao toàn bộ 6 tàu ngầm lớp Kilo cho Việt Nam. Dưới sự "giúp đỡ" của Nga, Việt Nam đã mở rộng quy mô hải quân.
Ngoài ra, hiện nay Nga đã bắt đầu cung cấp vũ khí tấn công cho Lục quân Việt Nam. Nhà máy Uralvagonzavod của Nga đang sản xuất 64 xe tăng chiến đấu T-90S và T-90SK cho Việt Nam. Xe tăng T-90SK được dùng cho người chỉ huy trên chiến trường, đã tăng cường bảo vệ bọc thép và hệ thống thông tin, dẫn đường định vị trên xe.
Đây sẽ là lần đầu tiên Lục quân Việt Nam trang bị xe tăng chiến đấu tiên tiến mới trong mấy chục năm qua. Phía Nga cho biết vào tháng 3/2017, Nga và Việt Nam đã ký kết hợp đồng mua bán xe tăng và hợp đồng đang được thực hiện. Lô xe tăng này lúc nào bàn giao cho Việt Nam sẽ tùy thuộc và năng lực sản xuất của nhà máy.
Quan hệ Việt — Nga trên các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, năng lượng, văn hóa… cũng đang được tăng cường. Tháng 6/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đến thăm Nga. Hai bên đang chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 11/2017. Khi đó, Việt Nam sẽ chủ trì Hội nghị Cấp cao APEC 2017.
Từ tháng 2 — 5/2017, nhiều quan chức cấp cao Nga đã đến Việt Nam. Phía Nga đã nhấn mạnh đến mối quan hệ đặc biệt Việt — Nga và trông đợi Nga có thể tăng cường ảnh hưởng trong nền kinh tế Việt Nam. Nga đề nghị nhà lãnh đạo Việt Nam tham gia hội nghị Diễn đàn kinh tế Phương Đông ở Vladivostok.
Nga có ý định tham gia xây dựng đường sắt ở thành phố Hà Nội và TP HCM và bán 2 loại máy bay chở khách cho Việt Nam. Nga cũng có kế hoạch thu hút nhiều lưu học sinh Việt Nam hơn nữa, muốn Việt Nam tham gia tích cực hơn vào phát triển khu vực Viễn Đông của Nga, nhất là khi Nga có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng dân số mới, do tỷ lệ sinh ở Nga giảm sút.
Nga đang mở rộng đối tác ở châu Á
Việc tăng cường quan hệ với Việt Nam là một bước đi quan trọng trong chiến lược châu Á của Nga, nhưng sẽ không không gây trở ngại cho việc Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau. Nga vẫn coi Trung Quốc là đối tác chủ yếu.
Tất nhiên, Nga sẽ không chỉ coi trọng Trung Quốc. Trong chiến lược châu Á — Thái Bình Dương, tầm nhìn của Nga vượt ra khỏi Trung Quốc, Nga muốn đa dạng hóa mạng lưới đối tác ở châu Á.
Hiện nay Nga còn đang tăng cường quan hệ với các nước Đông Nam Á khác như Philippines, Indonesia, Thái Lan. Nga có thể bán tàu ngầm thông thường lớp Kilo cho những nước này.
Động thái đáng chú ý gần đây là Nga và Thái Lan đã ký kết thỏa thuận thúc đẩy hợp tác kỹ thuật quân sự song phương, nhưng chi tiết thỏa thuận chưa được công bố. Song, điều này cho thấy hai bên đang nỗ lực tăng cường quan hệ quốc phòng.
Học giả Nga cho rằng Việt Nam không chỉ là đối tác quan trọng của Nga ở khu vực châu Á — Thái Bình Dương, mà còn là "bàn đạp" để Nga thâm nhập thị trường Đông Nam Á.
Nguồn: viettimes