Mi-172 do Nga sản xuất là biến thể dân dụng dựa trên trực thăng quân sự Mi-17, đây là loại máy bay chủ lực của Tổng công ty bay dịch vụ Việt Nam (nay là Tổng công ty trực thăng Việt Nam — Binh đoàn 18) trong một thời gian dài, thường làm nhiệm vụ bay phục vụ dầu khí hay bay chuyên cơ.
Mi-172 có kíp lái 3 người; chiều dài 18,465 m; đường kính rotor 21,25 m; chiều cao 4,76 m; trọng lượng rỗng 7.489 kg, trọng lượng cất cánh tối đa 13.000 kg.
Hai động cơ Klimov TV3-117VM công suất 1.633 kW (2.190 mã lực) mỗi chiếc cho tốc độ tối đa 250 km/h, tầm bay chuyển sân 960 km, trần bay 6.000 m, khả năng chuyên chở 22 — 24 hành khách.
Thực hiện nhiệm vụ ở rất xa căn cứ, dĩ nhiên sẽ đòi hỏi các cán bộ kỹ thuật, phi công của kíp lái trực thăng Mi-172 phải làm tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt.
Cũng là những chiếc Mi-172 đó, nhưng một vài chi tiết kết cấu sẽ phải thay đổi để đảm nhiệm được chức năng bay cứu hỏa, các bộ phận đều có sự phối hợp với chuyên gia của hãng để tìm ra giải pháp cải tiến tối ưu.
Máy bay phải thực hiện bảo dưỡng lớn và thay thế nhiều phụ tùng, linh kiện để đảm bảo trong thời gian hoạt động từ 6 tháng tới 1 năm trên đất bạn không phát sinh bất cứ hỏng hóc nào.
Bên cạnh đó là một loạt các cải tiến như tăng tải trọng của gàu từ 2,5 tấn lên tới 4 tấn, thuê chuyên gia kỹ thuật từ nhà máy tới để kiểm tra các móc treo cẩu, gia cố lại các cửa cho cẩu hàng ngoài.
Trong đợt cao điểm mùa khô, những khoảng rừng cọ của Indonesia rất dễ bị cháy, khi đó các máy bay trực thăng của nhiều quốc gia theo khoảng rừng được phân công sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình. Việc phối hợp ra vào với các máy bay khác phải được tiến hành nhịp nhàng nhằm phát huy hiệu quả và không gây ùn tắc.
Qua 1 năm bay cứu hỏa trên đất bạn, trình độ của phi công lẫn đội ngũ kỹ thuật của Việt Nam đều gia tăng vượt bậc, cả về kỹ năng điều khiển, trình độ ngoại ngữ lẫn độ nhanh nhạy trong xử lý tình huống.
Sau 2 trực thăng Mi-172 phái đi làm nhiệm vụ theo hợp đồng ký năm 2016 với Indonesia, thời gian sắp tới số lượng sẽ được tăng lên thành 4 chiếc, đây là lời khẳng định về năng lực của các phi công trực thăng Việt Nam, mở hướng đi mới là xuất khẩu dịch vụ ra nước ngoài, nâng cao vị thế của Quân đội nhân dân Việt Nam nói chung cũng như Tổng công ty trực thăng Việt Nam nói riêng.
Nguôn: baodatviet