Giao Thoa Tech thuộc top 5 Start-up được yêu thích nhất do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM bình chọn. Được thành lập từ những cựu sinh viên khoa Công nghệ Thông tin trường Đại học Bách khoa TP.HCM năm 2016. Nhóm có ba thành viên chủ chốt, trong đó Ngô Cự Mạnh sinh năm 1990 làm trưởng nhóm.
Atovi Smartlock là một bản nâng cấp của ổ khóa Glock được nhóm nghiên cứu và phát triển từ đầu năm 2016. Đến cuối tháng 6 năm 2017 nhóm đã triển khai lắp đặt cho những khách hàng đầu tiên.
"Mục đích của phiên bản đầu tiên Glock là trở thành thiết bị khóa thông minh, an toàn cho hộ gia đình. Nhưng nhóm nhận thấy nhu cầu về dịch vụ cho thuê nhà ở theo mô hình "kinh tế chia sẻ" như: Airbnb, Traveloka, Agoda,….đang tăng cao. Chủ nhà thường mất thời gian trong việc di chuyển check-in, check out cho khách thuê. Vì vậy phiên bản khóa thông minh Atovi ra đời nhằm giúp giải quyết việc này từ xa", — Ngô Cự Mạnh, một trong ba đồng sáng lập dự án chia sẻ về lý do hình thành ý tưởng startup.
Bài toán kinh tế mà nhóm Giao Thoa đặt cho sản phẩm này rất thiết thực. Mỗi một căn hộ sử dụng cho dịch vụ có ít nhất 10 lượt thuê vào mỗi tháng, chủ nhà phải mất trung bình 10h dành cho việc check-in.
Khi nhận được đơn đặt phòng từ du khách, ứng dụng App cho thuê phòng sẽ đồng bộ lịch thuê vào email của chủ nhà, khách thuê cũng sẽ nhận được một mã code (chỉ có thời hạn trong khoảng thời gian đặt phòng) để sử dụng khi nhận phòng.
Với giá thành từ 4,6 —5,2 triệu đồng cho một bộ khóa Atovi, người sở hữu nhà cho thuê sẽ tiết kiệm thời gian, giảm thiểu chi phí cơ hội và coi việc cho thuê nhà như một nguồn thu nhập hoàn toàn thụ động.
"Nhiều chủ nhà đã tập hợp thành nhóm, cùng nhau chia sẻ nguồn nhân lực lao công. Chính những người này sẽ giải quyết vấn đề về việc kiểm kê tài sản khi trả phòng của khách thuê", — nhóm Giao Thoa trả lời khi ban giám khảo đặt câu hỏi về vấn đề check-out của ổ khóa Avito.
"Hiện tại dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện để có thể đưa ra thị trường. Đã có một nhà đầu tư liên hệ để hỗ trợ nhóm kinh phí thực hiện. Nếu chào hàng được từ 50-100 hộ cho thuê trên ứng dụng App, nhóm sẽ triển khai", trưởng nhóm cho biết thêm. Khi đến với cuộc thi, Giao Thoa Tech hy vọng sẽ có cơ hội cọ xát, nhằm thực tế hóa dự án của mình.
Giải Siêu Việt của cuộc thi Vietnam IOT Hackathon 2017 mà Giao Thoa Tech đạt được không chỉ có giá trị tiền bạc, đó là một nguồn động viên lớn cho một startup trẻ đang nỗ lực để "kinh doanh cùng với những người khổng lồ".
Ngô Cự Mạnh cho biết, nhóm tham gia cuộc thi với hy vọng sẽ được các thành viên ban tổ chức tư vấn thêm về việc sản xuất thiết bị phần cứng cũng như phân phối sản phẩm, đặc biệt là kinh nghiệm đến từ Viettel. "Trong quá trình thi vòng 36 giờ, nhóm đã được hỗ trợ rất tốt từ ban tổ chức, được trao đổi, góp ý từ Kỹ sư trưởng, Giám đốc Bán hàng Viettel. Nhờ vậy nhóm đã nhận ra nhiều điều thiếu thực tế của sản phẩm để lược bớt, giúp sản phẩm hoàn thiện hơn", Mạnh chia sẻ.
Ông Phùng Văn Cường, Phó tổng giám đốc Viettel Telecom — thành viên của Ban giám khảo chia sẻ:
"IoT hiện là xu hướng và có tiềm năng rất lớn trên thế giới. Đối với Việt Nam, những sản phẩm IoT đã và đang triển khai vẫn chưa có sự nổi trội và thành công một cách xuất sắc. Cũng vì thế, chúng tôi muốn tổ chức cuộc thi để tìm chọn những sản phẩm IoT có tiềm năng để hỗ trợ và cùng đồng hành với họ nếu có cơ hội. Viettel muốn trở thành người hỗ trợ cho các startup IoT thành công".
Nguồn: Ttvn.vn