Doanh nhân có nhiều kinh nghiệm
Hiện nay, ông Nguyễn Thanh Đạm, Phó tổng giám đốc, phụ trách điều hành doanh nghiệp này. Sang tuần tới, Vietlott sẽ có trách nhiệm tiến hành thay đổi người đại diện, bổ nhiệm chức vụ tổng giám đốc.
Ông Tống Quốc Trường được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Vietlott vào tháng 8/2012 khi Công ty này vừa mới được cấp phép thành lập và được biết đến là người "đã có nhiều năm kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp, đặc biệt là định chế tài chính".
Quá trình hoạt động, ông Trường cùng các lãnh đạo và nhân viên Vietlott chèo lái "con thuyền" xổ số điện toán gặt hái được nhiều kết quả.
Theo báo cáo tài chính của công ty này, 6 tháng đầu năm 2017, Vietlott đạt 1.522 tỉ đồng doanh thu thuần từ hoạt động kinh doanh trong khi chi phí bỏ ra chưa đầy 1.390 tỉ đồng.
Vì vậy, việc ông Tống Quốc Trường lại đột ngột có đơn xin nghỉ khiến giới kinh doanh xổ số khá bất ngờ.
Tuy nhiên, trong quá khứ, doanh nhân này sinh năm 1972, quê Nam Định, là 1 trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu toàn quốc năm 2007; được nhận Giải thưởng Sao đỏ năm 2008… đã từng giữ nhiều chức vụ cao thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN).
Cụ thể, ông Tống Quốc Trường từng là Trưởng ban Đầu tư phát triển của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN).
Sau đó, ông này, giữ trọng trách Tổng Giám đốc Tổng Công ty tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam (PVFC) từ tháng 06/2007 đến tháng 3/2010.
Trước ông Trường, vị trí này do ông Nguyễn Xuân Sơn đảm nhiệm. Ông Nguyễn Xuân Sơn mới đây đã bị bắt và khởi tố, tuyên án tử hình tại phiên tòa sơ thẩm tại Hà Nội do liên quan tới những sai phạm trong quá trình lãnh đạo tại PVN.
Chuyện ở PVFC thời kỳ ông Tống Quốc Trường làm Tổng giám đốc
Cụ thể, năm 2007, PVFC được phê chuẩn chủ trương lập Công ty Cổ phần đầu tư và tư vấn tài chính dầu khí (PVFC Invest).
Theo luật Các tổ chức tín dụng, PVFC chỉ có thể góp vốn vào một công ty con như PVFC Invest tối đa là 11% vốn điều lệ.
Nhưng để giữ quyền chi phối và biến PVFC Invest thành công ty sân sau nên PVFC đã lách luật và qua mặt các cơ quan chức năng bằng các hợp đồng ủy thác trả chậm của cán bộ, công nhân viên của tổng công ty này.
PVFC sở hữu tới 59% cổ phần tại PVFC Invest dưới các hình thức góp vốn trực tiếp, 11%; "nhận" 38% vốn ủy thác của CBCNV (thực chất là tiền nhà nước) và "góp thay" 10% cổ phần của một nhà đầu tư bên ngoài (Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng Việt Nga).
Khoản 38% "nhận ủy thác của cán bộ công nhân viên" thực chất là hình thức cho vay trá hình không có tài sản đảm bảo, dòng tiền, cũng như mọi quyền lợi của CBNV chỉ được ghi nhận trên giấy tờ, sổ sách không có thật.
Thực tế, PVN đã dùng tiền từ quỹ của PVN góp 295 tỉ đồng (59% vốn điều lệ), trong đó 240 tỉ đồng cho cá nhân vay trả chậm mua cổ phiếu PVFC Invest.
Các hợp đồng ủy thác đầu tư trả chậm có thời hạn 3 năm, đến tháng 10/2010 hết hạn chỉ có một vài cá nhân hoàn trả được 10 tỉ đồng, 230 tỉ đồng còn lại không thể thu hồi được.
Đáng chú ý, trước đây, việc ký kết các hợp đồng đầu tư ủy thác này của PVFC đã bị Thanh tra Ngân hàng Nhà nước xác định là trái luật.
"Từ tháng 12/2009, Thanh tra NHNN cũng yêu cầu PVFC phải "chấm dứt ngay nghiệp vụ này" nhưng PVFC đã phớt lờ không thực hiện", thông tin trên báo Thanh Niên cho hay.
Năm 2008, PVFC bắt đầu lên sàn với hình ảnh là công ty tài chính có quy mô vốn lớn nhất thị trường bởi PVFC có số vốn điều lệ lên tới 5.000 tỉ đồng.
Sau khi thị trường chứng khoán "xì hơi bong bóng", hơn 419 tỉ tiền gốc mà PVFC "cho CBCNV vay" mua cổ phiếu và 86 tỉ đồng tiền lãi phát sinh hiện không thu hồi được vì không rõ yếu tố pháp lý và vì trong danh sách gần 800 cá nhân ủy thác đầu tư cổ phiếu của PVFC có người đã chết, có người về hưu, có người đi tù
Báo cáo tài chính của PVFC và PVFC Invest sau này cho thấy thương vụ trên đã gây ra hậu quả nghiêm trọng khi 510 tỉ đồng vốn ủy thác khiến PVFC Invest thiệt hại 419 tỉ gốc và 86 tỉ đồng lãi do CBCNV vay không có khả năng hoàn trả.
Nguồn: Trí Thức Trẻ