Ứng cử viên Đường Kiền của Trung Quốc vẫn đạt được 5 phiếu như hai vòng trước và ứng cử viên Vera El Khoury của Liban nhận được 4 phiếu ủng hộ. Ứng cử viên Pham Sanh Châu của Việt Nam đã quyết định rút khỏi cuộc đua tranh trước giờ bỏ phiếu vòng 3. Việc Việt Nam rút ứng cử trong tình hình tranh cử hiện tại là chuyện bình thường trong quan hệ quốc tế, đặc biệt là với một cuộc bầu cử mang tính cạnh tranh cao và quyết liệt này.
Ông Michael Worbs, Chủ tịch Hội đồng chấp hành, đánh giá ứng cử viên của Việt Nam "đã tạo được sự tiến bộ đáng chú ý tại vòng 2" và nhấn mạnh "quyết định rút khỏi cuộc đua của ứng cử viên Việt Nam đã thể hiện sự phân tích tình hình rất sâu sắc." Theo đánh giá của nhiều thành viên Ban thư ký UNESCO, việc Việt Nam rút ứng cử viên sẽ giúp tập trung phiếu bầu cho những ứng cử viên còn lại.
Trong lịch sử bầu cử Tổng Giám đốc UNESCO, hầu hết các nước đều rút ứng cử viên của mình nếu sau 2 vòng không đạt được 10 phiếu trở lên. Vào năm 1999, hai ứng cử viên Gareth Evans — Bộ trưởng Ngoại giao — của Australia và Ismail Sergeldin — Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới — của Ai Cập đã quyết định rút lui sau khi chỉ đạt được lần lượt là 6 và 4 phiếu trong vòng 2. Thậm chí trong kỳ bầu cử năm 2009, ứng cử viên người Áo, Ủy viên châu Âu về quan hệ đối ngoại, Benita Ferrero Waldne cũng đã rút khỏi cuộc đua, mặc dù nâng được số phiếu từ vòng 2 là 9 lên 11 phiếu ở vòng 3. Các cuộc bầu Tổng Giám đốc các năm 2003 và 2013, do đương kim Tổng Giám đốc tái cử nên cuộc đua dừng ngay tại vòng 1 với chiến thắng áp đảo của đương kim Tổng Giám đốc.
Khi gặp Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Khóa họp 202 của Hội đồng chấp hành — Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Tổng Giám đốc UNESCO, bà Irina Bokova đã đánh giá cao chiến dịch tranh cử của Việt Nam, góp phần làm cho tên Việt Nam được nhắc nhiều và thường xuyên tại UNESCO trong suốt thời gian qua. Bà Bokova cũng đánh giá cao năng lực, tâm huyết của ứng cử viên Việt Nam Phạm Sanh Châu. Nguyên cố vấn cao cấp về chính sách của UNESCO, Hans D'Orville, tuy tỏ lấy làm tiếc cho ứng cử viên Việt Nam nhưng cho rằng Việt Nam đã đưa ra một quyết định "đúng đắn và đúng lúc."
Có thể thấy rằng, ngay trong lần đầu tiên cử đại diện tranh cử vị trí đứng đầu của một tổ chức được mệnh danh là đại diện cho lương tri và trí tuệ của nhân loại trong hệ thống Liên hợp quốc, Việt Nam đã gửi đến một thông điệp rõ ràng và đầy thiện chí với bạn bè quốc tế về mong muốn và sự sẵn sàng tham gia đóng góp nhiều hơn nữa vào các công việc chung của cộng đồng quốc tế. Từng bước trong quá trình vận động, ứng cử viên Phạm Sanh Châu cũng đã thể hiện được năng lực và khả năng vươn lên của người Việt Nam. Chiến dịch vận động tranh cử của Việt Nam vừa qua thực sự là một cuộc tập dượt lớn với những kết quả và bài học có ý nghĩa cho sự tham gia vào các cuộc chơi lớn và ở tầm thế giới khi Việt Nam quyết tâm chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Nguồn: Vietnam+