Bằng mắt thường có thể nhận ra xăng RON 92 mua tại trạm xăng Việt Nam và Nhật Bản có sự khác nhau về màu sắc. Xăng được mua tại hai điểm phân phối của đơn vị trong nước có màu xanh cốm, xanh cốm đậm. Trong khi đó, xăng được mua tại điểm thứ 3 của đơn vị 100% vốn nước ngoài — Idemitsu Q8 — lại có màu hơi ngả vàng. Vì sao có sự khác nhau như vậy?
Mỗi nước một cách pha màu
Thực tế, xăng dầu là chất lỏng trong suốt, nó bao gồm các hợp chất hữu cơ thu được bằng cách chưng cất từng phần của dầu mỏ. Vì vậy để phân biệt các loại xăng dầu với nhau, hầu hết quốc gia trên thế giới đều có quy định pha màu cho xăng dầu.
Australia quy định pha màu tím/đồng với loại xăng thường không chì và màu vàng với loại xăng không chì cao cấp. Tại Nhật Bản, xăng cao cấp có màu vàng, còn xăng thường màu da cam, Thái Lan quy định xăng 95 sử dụng thuốc nhuộm màu vàng và xăng 91 nhuộm màu đỏ…
Tại Việt Nam cũng đã có quy định pha màu cho xăng dầu từ năm 2004. Theo đó, dầu hỏa, nhiện liệu bay được chỉ định pha màu tím với liều lượng 7mg/lít; xăng RON 83 có màu nâu sẫm liều lượng 7mg/lít; xăng RON 90 có màu đỏ và xăng RON 92 có màu xanh cùng liều lượng 5mg/lít.
Cũng theo quy định, địa điểm pha màu được thực hiện tại các cơ sở cấp phát (xuất bán) xăng dầu, kho đầu mối, kho trung chuyển, nhà máy chế biến xăng từ nguyên liệu condensate, cơ sở pha chế xăng dầu thuộc doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, hoặc pha trực tiếp vào phương tiện vận chuyển tại bến xuất sản phẩm, nhiên liệu bay.
Cùng loại xăng, màu vẫn khác nhau, vì sao?
Trao đổi với Zing.vn, một chuyên gia trong lĩnh vực xăng dầu cho biết thông thường màu sắc trong cùng một loại xăng giống nhau sẽ tuân theo chuẩn màu quy định. Với loại xăng RON 92 là màu xanh với các điểm màu như 2.0; 2.4; 2.5… cùng với đó là tiêu chuẩn và chứng chỉ chất lượng của mỗi đơn vị phát hành xăng.
"Các đầu mối khác nhau hoàn toàn có thể có độ màu khác nhau, điều này có thể phụ thuộc vào từng lô xăng sản xuất được pha màu khác nhau. Tuy nhiên vẫn phải tuân theo chuẩn màu quy định. Quy chuẩn của Việt Nam là độ màu xăng từ 0 đến 2.0 và 2.0 đến 2.5", — vị chuyên gia này cho biết.
Theo vị chuyên gia này, trước đây, để hạn chế tình trạng làm giả xăng dầu cũng như việc một số người lợi dụng pha lẫn các loại xăng vào nhau để bán trục lợi, Việt Nam đã có quy định pha màu xăng để phân biệt các loại.
Dầu hỏa sẽ được pha màu tím, xăng RON 83 có màu nâu sẫm, xăng RON 90 có màu đỏ và xăng RON 92 có màu xanh. Tuy nhiên, hiện nay trên thị trường chỉ phân phối xăng RON 92, E5 và RON 95.
Màu sắc xăng khác nhau dù cùng là một loại, theo vị chuyên gia này, có thể do hệ thống bồn chứa tại mỗi điểm phân phối có sự khác nhau. Cũng có thể màu sắc khác nhau là do lô xăng được xuất về các trạm khác nhau. Chênh lệch về độ trong pha màu xăng từ đơn vị cung cấp cũng quyết định màu sắc của nhiên liệu này.
"Trong việc pha màu xăng cũng có thể có độ dung sai nhất định. Điều này chắc chắn sẽ không ảnh hưởng tới chất lượng của xăng. Tuy nhiên, muốn khẳng định chất lượng xăng thì phải lấy mẫu mang đi kiểm định khi đó sẽ ra kết quả chính xác", — vị chuyên gia này khẳng định.
Ông cũng chia sẻ thêm xăng khi đã bơm ra khỏi bồn chứa để trong chai, lọ, sau một thời gian màu xăng sẽ thay đổi đôi chút theo chiều hướng đậm màu hơn so với mức mới bơm ra.
"Nếu để 3 mẫu xăng tại 3 địa điểm đó khoảng một ngày, đến hôm sau chắc chắn xăng sẽ có màu đậm lên so với ngày hôm trước", — ông cho hay.
Một nguồn tin khác từ Petrolimex cũng cho biết xăng có màu khác nhau là do cách pha màu. Vị này chia sẻ mỗi đầu mối sẽ chọn các màu sắc khác nhau để pha vào xăng. Màu sắc của xăng không quyết định chất lượng nhiên liệu.
Trong khi đó, một kỹ sư hóa học về xăng dầu khẳng định xăng khi bơm ra ngoài để trong chai, lo một thời gian sẽ thay đổi màu xanh đậm hơn so với lúc mới bơm ra.
Theo tìm hiểu, các đơn vị phân phối sử dụng chung một loại xăng do một nhà cung cấp, đơn vị cung cấp sẽ tập trung xăng tại một bồn tập trung lớn sau đó mới phân phối tới các địa điểm bán lẻ của từng đơn vị.
Nguồn: news.zing