"Luật Thanh tra qui định, trừ những vấn đề thuộc bí mật quốc gia, còn một cuộc thanh tra xong phải công bố kết luận thanh tra ở ba nơi khác nhau là cơ quan thanh tra, cơ quan bị thanh tra và trên thông tin đại chúng.
Nhưng lâu nay nhiều nơi ở TP.HCM làm chưa tốt" — ông Nhân nói.
Ông Nhân cho rằng, khi có kết luận về yếu kém về tiêu cực thì phải sửa chữa. Công bố rồi thì nhân dân và các đoàn thể mới giám sát được.
"Nhưng chúng ta làm cái này chưa tốt" — ông Nhân nói thẳng.
Trong hai cuộc tiếp xúc với cử tri huyện Hóc Môn và Củ Chi ngày 15-10, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đã nhận được rất nhiều bức xúc của người dân về tình trạng lấn chiếm đất đai, vi phạm pháp luật đất đai, xây dựng trái phép và về các dự án chậm tiến độ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Cử tri nơi đây cho rằng, dù chính quyền có xử lý nhưng mới chỉ là một số nhỏ, còn rất nhiều trường hợp vi phạm vẫn tồn tại.
Nguyên Bí thư huyện Hóc Môn Nguyễn Chí Nam bức xúc trước tình trạng đất nông nghiệp bỏ hoang, không được khai thác, sử dụng hiệu quả trên địa bàn các huyện Củ Chi, Hóc Môn và Bình Chánh.
"Như thế hợp lý hay không hợp lý. Trong lòng mình mà thấy đất bỏ hoang thì có động lòng hay không.
Và cán bộ các sở ngành của TP và ở Hóc Môn, thấy đất bỏ hoang trong lòng có xao xuyến không? Nếu thực sự lo cho dân thì phải đội sớ lên cấp trên mà trình" — ông Nam nói.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong hơn hai tháng qua Thường trực Thành ủy đã xây dựng đề án cơ chế tiếp nhận thông tin để tiếp nhận và xử lý một cách tốt nhất thông tin từ người dân.
"Chúng ta có bốn cơ quan là MTTQ, HĐND, UBND và Thành ủy tiếp nhận thông tin nhưng chưa có cơ chế phối hợp thống nhất, phân định trách nhiệm xử lý thông tin của từng cơ quan. Do đó việc xử lý thông tin chưa đồng bộ và dẫn tới sót" — ông Nhân nói và cho biết Thành ủy đã xây dựng một một cơ chế giữa bốn cơ quan trên để tiếp nhận ý kiến của người dân, phân công xử lý và theo dõi.
Nguồn: Pháp luật TPHCM