Phối hợp nhiều mặt
"Bằng việc chia sẻ thông tin và trao đổi kinh nghiệm thực tiễn tốt nhất, chúng tôi hy vọng nâng cao năng lực phối hợp hoạt động giữa các lực lượng của chúng tôi và giúp đảm bảo an ninh tốt hơn cho những khu vực có lợi ích hàng hải chung".
Trước đó, các Bộ trưởng Quốc phòng của Philippines, Indonesia và Malaysia đã khởi động hoạt động tuần tra chung trên không giữa ba bên, tại căn cứ Không quân Subang của Malaysia. Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu cùng ngày cho biết, Indonesia sẽ đề xuất một sáng kiến chia sẻ thông tin tình báo rộng rãi giữa các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm đối phó với mối đe dọa gia tăng từ phiến quân Hồi giáo cực đoan.
Bộ trưởng Ryacudu cho hay ông sẽ đề xuất sáng kiến "Our Eyes" (Đôi mắt của chúng ta) tại Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN (ADMM) ở Philippines sắp tới. Tình trạng bạo loạn tại miền Nam Philippines đã gây quan ngại cho các nước láng giềng Malaysia và Indonesia, khi mà ba nước phải đối mặt với khả năng trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng được trợ giúp bởi các tay súng địa phương, những kẻ đã tuyên bố trung thành với IS.
Hiểm họa khôn lường
Gần đây nhất, cảnh sát Indonesia thông báo lực lượng cảnh sát nước này đã tìm thấy hàng trăm cuốn sách có chứa nội dung tuyên truyền cho IS nhắm vào đối tượng trẻ em tại nhà của một nghi phạm bị bắt giữ do có liên quan tới vụ tấn công bằng dao lực lượng an ninh nước này. Các cuốn sách được tìm thấy đều được viết bằng tiếng Indonesia, chứa các bức tranh và thông điệp cổ súy thánh chiến. Nghi phạm bị cảnh sát bắt giữ được cho là kẻ đã thiết kế và in những sản phẩm này.
Không phải ngẫu nhiên IS lại chọn khu vực Đông Nam Á. Đây là khu vực có dân số trên 600 triệu người, trong đó cộng đồng Hồi giáo lên tới gần 300 triệu tín đồ, chiếm 15% tổng số người theo đạo Hồi trên thế giới, tập trung chủ yếu tại các nước Malaysia, Indonesia, Philippines. Đông Nam Á cũng là khu vực có nhiều nhóm Hồi giáo cực đoan hoạt động mạnh tại những vùng hẻo lánh hay những hòn đảo biệt lập, nơi chính quyền khó quản lý.
Lợi dụng một biên giới mở nhờ sự gắn kết trong ASEAN, IS đã mở rộng địa bàn hoạt động tại khu vực này, thiết lập quan hệ với hơn 60 tổ chức cực đoan địa phương, truyền bá tư tưởng và lôi kéo các tín đồ Hồi giáo chân chính đi vào con đường cực đoan.
Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng