Xem xét trách nhiệm bồi thường cho dân của chủ đập
"Nếu chủ đập không thực hiện đúng quy định phải xử lý nghiêm trước pháp luật. Hơn nữa, cũng cần tính đến xem xét trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người dân của chủ đập", ông Huy nói và cho biết, chính quyền địa phương phải có trách nhiệm liên quan đến việc thủy điện xả lũ.
Trước câu hỏi thủy điện gây thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân đã thấy rõ từ nhiều năm qua nhưng chưa thấy xử lý hình sự vụ việc nào và câu chuyện đền bù thiệt hại cho người dân cũng rất gian nan. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ môi trường cho biết, căn cứ vào các nội dung, tình tiết cụ thể hoàn toàn có thể áp dụng và xử lý vụ việc theo pháp luật hiện hành.
Đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng, việc tích nước, xả nước ở các thủy điện mà không báo trước đã đẩy nhân dân vào tình trạng nguy hiểm.
"Vì cái lợi một vài tỷ đồng cho cá nhân những thiệt hàng trăm tỷ cho nhân dân là không thể chấp nhận được. Phải điều tra kỹ, nếu đúng như thế phải truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu cần thiết thì đóng hẳn đập thủy điện lại, không cho chạy thủy điện nữa hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng. Phải như thế mới được, chứ nói mà không làm thì dân khổ lắm!", ông Đương nói.
"Làm trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại thì không phải bàn cãi mà đương nhiên phải truy tố trách nhiệm hình sự. Nhân dịp này đi kiểm tra xác định trách nhiệm hành vi, hậu quả theo trình tự tố tụng, chứ không phải nói để đấy!", đại biểu Đương nói.
Ngoài ra, theo ông Đương, Bộ Công thương cũng phải chịu trách nhiệm, bên cạnh đó Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng gián tiếp có liên quan.
"Trách nhiệm chính là ai chứ không nhập nhằng đánh tráo tránh nhiệm giữa các Bộ là không được. Trước hết phải giải quyết nỗi cơ cực của người dân, chấm dứt lợi ích nhỏ để bảo đảm lợi ích toàn cục", đại biểu Đỗ Văn Đương nói.
Mưa lũ là việc của ông Trời?
Tình trạng mưa lũ liên tục tại miền Trung thời gian qua đã gây ra thiệt hại lớn về người và của đối với người dân địa phương các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Đà Nẵng, Phú Yên… Báo cáo cập nhật từ Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung — Tây Nguyên cho thấy, mới chỉ tính đến sáng nay (19/11) đã có 41 người chết, 5 người mất tích và 74 người bị thương do mưa lũ.
Vấn đề đặt ra đó là nguyên nhân gây lũ liệu có phải do thời tiết hay do hoạt động xả lũ của thủy điện. Tại những nơi lũ đi qua, người dân và chính quyền địa phương đều bất bình kể tội do 15 thủy điện ở miền Trung và Tây Nguyên đồng loạt xả lũ đã gây nên tai họa này.
Theo phản ánh của các địa phương, với việc rừng đầu nguồn bị tàn phá nhiều cộng với các thủy điện tập trung xả lũ cùng một lúc nên lũ đã dâng lên rất nhanh. Hơn nữa, khi có thông báo xả lũ thì chỉ những người dân ở gần đài truyền thanh mới biết còn đa phần đều không nghe thông tin này nên có những hộ không kịp trở tay.
Tuy nhiên, chiều nay, ông Cao Anh Dũng — Phó Cục trưởng Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương) cho rằng: "Vấn đề này cần phải nói một cách khách quan chứ không thể cái gì cũng đổ lỗi cho thủy điện được, mà mang tiếng cho thủy điện".
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng giãi bày:
"Theo tôi thì cái gì cũng phải nói cho khách quan và cho đúng. Nếu đúng là do thủy điện xả lũ thì phải công nhận đó là lỗi xả lũ, còn đây lại là việc của ông Trời. Mong nhân dân hiểu và chúng ta cùng có biện pháp phòng tránh".
"Về phía Bộ Công thương, chúng tôi khẳng định tình trạng lũ này là do thời tiết. Chúng tôi có đầy đủ số liệu để chứng minh rằng thủy điện không những đã không gây tác hại cho vùng hạ du mà còn tham gia giảm lũ, làm chậm lũ về hạ du. Còn việc nước dâng cao như thế là do mưa quá lớn", ông Dũng cho hay.
Nguồn: Dân Trí