Trước đó, khi đến Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Thành làm thủ tục đề nghị cấp thẻ bảo hiểm y tế cho thân nhân liệt sĩ, bà Nguyễn Thị Thủy (50 tuổi), con gái liệt sĩ Nguyễn Xuân Thiền (hi sinh năm 1968), ngỡ ngàng khi được cán bộ cho hay trong hồ sơ lưu ghi bà Phan Thị Ban (vợ liệt sĩ Thiền, mẹ bà Thủy) đã mất từ lâu.
Theo giấy báo tử do UBND xã Liên Thành gửi Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Thành, bà Ban đã từ trần ngày 2-7-1998. Xã Liên Thành đề nghị cắt chế độ thường xuyên (72.000 đồng/tháng) cho bà Ban kể từ tháng 8-1998.
Trong giấy báo thôi cấp chế độ bà Ban vì đã từ trần được lập cùng ngày có đầy đủ chữ ký của thân nhân, xóm trưởng, kế toán chính sách, thủ quỹ chính sách, trưởng ban chính sách và chủ tịch UBND xã Liên Thành.
Bà Thủy cho biết: "Năm 1998, chị gái tôi là Nguyễn Thị Thu mất vì bệnh tật. Hiện mẹ tôi đang sinh sống cùng gia đình người con trai độc nhất. Chữ ký trong giấy báo thôi cấp chế độ cũng không phải là chữ kí của chúng tôi".
Ông Thái Văn Độ, nguyên chủ tịch UBND xã Liên Thành, hiện là cán bộ chính sách xã Liên Thành, cho hay năm 1998, con gái bà Ban là chị Nguyễn Thị Thu (được hưởng chế độ trợ cấp cho người tàn tật) qua đời.
"Tiền trợ cấp cho chị Thu được cắt từ năm 1998, còn chế độ dành cho vợ liệt sĩ đối với bà Phan Thị Ban vẫn được chi trả cho đến thời điểm hiện tại. Số tiền bà Ban được hưởng hiện là 1.417.000 đồng/tháng và gia đình cũng đã nhận hết tháng 9-2017.
Việc khai tử nhầm là có nhưng không có chuyện cán bộ trục lợi chế độ chính sách", ông Độ thông tin.
Ông Độ cũng thừa nhận trách nhiệm của mình trong việc ký xác nhận báo tử cho một người đang sống.
Lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Thành cho biết sự việc thân nhân liệt sĩ đang sống nhưng đã được khai tử mới được phát hiện. Trước mắt, phòng đã hướng dẫn Ban chính sách xã Liên Thành làm tờ trình đính chính nhầm lẫn này và sẽ làm rõ trách nhiệm của những người liên quan sự việc.
Nguồn: Tuổi Trẻ