Mong muốn xây dựng được "Thung lũng Silicon" Việt Nam đầu tiên, ông Hiếu — một doanh nhân Việt kiều, đã quyết định quay về nước, đổ 40 triệu USD vào dự án này.
Làm sẵn hạ tầng trên quy mô hơn 50 ha đất, xây dựng các khu trung tâm, nhà máy để đổi lại, lôi kéo được các doanh nghiệp công nghệ đã thành công ở "Thung lũng Silicon" Mỹ về nơi này đầu tư.
Khi vào thị trường Việt Nam, những nhà đầu tư này sẽ tận dụng lợi thế nhân công rẻ. Nhưng đổi lại, họ cũng mang về đây công nghệ tiên tiến, tạo "đất" cho giới khoa học công nghệ Việt Nam dụng võ.
Tuy dự án này đang nhận được sự hỗ trợ, ưu ái về hỗ trợ vốn, đẩy nhanh thủ tục hành chính từ chính quyền TP.HCM nhưng đại diện Ban quản lý Khu công nghệ cao thừa nhận thách thức lớn nhất vẫn là hành lang pháp lý để chủ dự án có thể lập quỹ đầu tư mạo hiểm hỗ trợ startup. Đây cũng là vấn đề thành phố đang nghiên cứu để đề xuất với Chính phủ.
Giới chuyên gia nhận định, "Thung lũng Silicon" của Việt Nam chỉ có thể hiệu quả nếu nó hoạt động trong một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh, điều mà Việt Nam còn đang thiếu. Nếu hệ sinh thái hoàn chỉnh được tạo lập, trong tương lai Việt Nam sẽ không chỉ có một "Thung lũng Silicon".
Nguồn: VTV