Thông tin này đến từ Cung điện Tauride tại St Petersburg, nơi đang tiến hành Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 137 (IPU-137), nhà bình luận phân tích Piotr Tsvetov của Sputnik viết.
Phát biểu tại Đại hội đồng IPU, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa Hồi giáo Iran Ali Larijani phê bình mạnh mẽ chính sách của Tổng thống Mỹ vì mới đây Donald Trump bày tỏ nghi ngờ về sự cần thiết đối với Hoa Kỳ tuân thủ thỏa thuận hạt nhân đã đạt được vào tháng 7 năm 2015 giữa Iran và sáu quốc gia (Nga, Vương quốc Anh, Trung Quốc, Mỹ, Đức, Pháp) về chương trình hạt nhân của Iran. Tổng thống Trump cho rằng, chính quyền Tehran đang tiếp tay cho những kẻ khủng bố, và là "một chế độ cuồng tín", do đó cần phải thắt chặt chứ không phải dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống lại Iran.
Chính quyền Tehran cảnh báo rằng, họ sẽ nối lại chương trình hạt nhân nếu Hoa Kỳ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với Iran. Theo ông Ali Larijani, hành vi của Trump cho thấy rằng, ông "coi thường các thỏa thuận quốc tế".
Chính sách của Mỹ đối với Iran rất giống chính sách của Nhà Trắng đối với CHDCND Triều Tiên. Trong cả hai trường hợp Hoa Kỳ gây áp lực lên các chế độ không muốn "nhảy theo vũ điệu" của Washington, có lập trường riêng về chính trị thế giới và đã lựa chọn con đường phát triển riêng (đặc biệt là ở đây nói về hai quốc gia có nền văn hóa lâu đời hơn so với nước Mỹ).
Các chính trị gia Mỹ đã đưa hai nước này vào danh sách đen. Trước đây trong danh sách này đã có Iraq dưới thời Saddam Hussein và Libya dưới thời Gaddafi. Phương Tây đã thuyết phục được cả hai nhà lãnh đạo quá cố rằng, không nên phát triển các loại vũ khí mới. Và họ đã phải trả giá đắt cho đường lối độc lập của mình.
Hôm nay, Bình Nhưỡng không có phương tiện đáng tin cậy nào có thể đảm bảo an ninh cho nước này khi đối mặt với Mỹ, mà Hoa Kỳ liên tục đưa ra những phát ngôn hiếu chiến, đe dọa ban lãnh đạo CHDCND Triều Tiên. Vì thế Bình Nhưỡng đang phát triển chương trình tên lửa hạt nhân để đảm bảo việc giữ gìn bản sắc độc đáo của nước này.
Hoa Kỳ đang gây áp lực lên Iran, bằng cách này Washington có thể buộc Tehran phải thực hiện bước đi tiếp theo để trở thành chủ sở hữu vũ khí hạt nhân. Theo nhiều chuyên gia, có chú ý đến các thành tựu trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân,Tehran chỉ còn cách một bước chân để bắt đầu sản xuất đầu đạn hạt nhân.
Iran và Bắc Triều Tiên đang phải đối mặt với sự cô lập và trừng phạt do chính sách thiếu cân nhắc của chính quyền Mỹ. Có vẻ là, trong điều kiện này liên minh Iran — Bắc Triều Tiên không còn quá xa lạ. Nếu có một liên minh thì hai nước này có thể sống sót dễ dàng hơn (nhờ mối quan hệ thương mại song phương), và cùng nhau chống lại các động thái thù địch mới của Washington. Tuy nhiên, điều đó không giúp thế giới trở nên yên bình hơn.