Tham gia hoạt động này có các nhà ngoại giao, lãnh đạo các cơ quan hành chính, các doanh nhân và chuyên gia kinh tế của Nga cũng như các đại diện của cộng đồng người Việt, các doanh nhân và du học sinh Việt Nam ở Nga.
Các đại biểu đã phân tích chi tiết vai trò và vị trí của APEC trong thế giới hiện đại, mà tổ chức này chiếm 64% GDP của thế giới và gần một nửa giao dịch thương mại quốc tế. Những người tham gia Hội thảo bàn tròn đều cho rằng, Hội nghị thượng đỉnh APEC sắp tới ở Việt Nam sẽ mở ra giai đoạn mới trong sự phát triển hội nhập quốc tế, sẽ góp phần quan trọng vào việc củng cố sự ổn định toàn cầu và an ninh kinh tế. Các đại biểu lưu ý rằng, đây là lần thứ hai Diễn đàn APEC được tổ chức tại Việt Nam, điều đó cho thấy rõ vai trò và vị trí ngày càng tăng của Việt Nam trên trường quốc tế, bây giờ Việt Nam không chỉ là một cầu thủ khu vực, mà là một yếu tố địa chính trị quan trọng.
Những người tham gia Hội thảo bàn tròn dự đoán rằng, Diễn đàn sắp tới có thể làm rõ hơn chính sách của chính quyền mới của Mỹ và chính sách của Trung Quốc hậu Đại hội trong quan hệ với ASEAN. Có cả dự đoán rằng, tại Diễn đàn này Việt Nam có thể giải quyết nhiều vấn đề còn tồn tại trong quan hệ với hai cường quốc đó.
Trọng tâm chú ý của những người tham gia Hội thảo bàn tròn là mối quan hệ Nga-Việt. Igor Bayazov đại diện Vụ Châu Á 3 thuộc Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng rằng, việc tăng cường và mở rộng hợp tác với Việt Nam là một trong những ưu tiên hàng đầu của Nga trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và các đối tác Việt Nam cũng sẵn sàng tăng cường hợp tác với Nga. Chứng tỏ về điều đó là kết quả chuyến công du tới LB Nga của Chủ tịch Việt Nam vào mùa hè năm nay và khóa họp 20 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-LB Nga về hợp tác kinh tế vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh.
Những người tham gia Hội thảo bàn tròn không chỉ nhấn mạnh những thành công trong sự hợp tác Nga-Việt, ví dụ, trong lĩnh vực năng lượng và ngành dầu khí, mà tập trung sự chú ý đến những "nút thắt cổ chai" và những thiếu sót đang tồn tại trong tất cả các lĩnh vực quan hệ song phương ngoại trừ lĩnh vực chính trị. Ví dụ, các đại biểu ghi nhận rằng, có nhiều dự án chung được phê duyệt trong các văn bản có liên quan nhưng vẫn còn trên giấy — chưa được thực hiện. Kim ngạch thương mại Nga-Việt, trừ lĩnh vực quân sự-kỹ thuật, chỉ đạt 4 tỷ USD, trong khi kim ngạch thương mại Việt Nam — Hoa Kỳ đạt hơn 50 tỷ USD, Việt Nam —Trung Quốc — 70 tỷ USD. Một năm đã trôi qua sau khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Nga cũng như các thành viên khác của Liên minh Kinh tế Á Âu có hiệu lực, nhưng, nhiều quy định của Hiệp định chưa được thực hiện với quy mô đầy đủ. Trong 8 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại Nga- Việt chỉ tăng 20%. Với tốc độ như vậy không thể thực hiện nhiệm vụ đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỷ USD vào năm 2020.
Các đại biểu tham gia Hội thảo bàn tròn ở Matxcơva lưu ý rằng, năm 2019 được tuyên bố là năm chéo Nga — Việt Nam. Hy vọng rằng, đến thời điểm đó sẽ tăng số lượng du học sinh Việt Nam tại các trường đại học Nga, sẽ tăng hạn ngạch cho lao động Việt sang làm việc tại Nga. Nhân tiện xin nói luôn, biện pháp này sẽ giúp cho hàng nghìn lao động Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp trên lãnh thổ Liên bang Nga "bước ra khỏi bóng tối". Những người tham gia Hội thảo bàn tròn đánh giá cao thực tế rằng, trong chương trình giáo dục phổ thông của Việt Nam lại có môn tiếng Nga. Theo ý kiến của sinh viên Nghiêm Bá Trí từ trường Đại học Tổng hợp Hữu Nghị các dân tộc Nga (RUDN), các cơ quan liên quan của hai nước nên quan tâm nhiều hơn đến sự phát triển của thể thao. Ví dụ, nên thành lập những câu lạc bộ và đội thể thao chung, nên thu hút các chuyên gia thể thao của Nga sang Việt Nam làm huấn luyện viên.
Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, thành viên tham dự và thảo luận tại Hội nghị bàn tròn, chuyên gia Nguyễn Quốc Hùng từ Trung tâm Chiến lược Nga tại châu Á thuộc Viện Kinh tế Nga cho biết:
Hội thảo bàn tròn lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trước thềm Diễn đàn APEC sắp tới. Nhiệm vụ cấp bách là phân tích sâu sắc các thành công và những vấn đề còn tồn tại trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga, không chỉ ở cấp song phương, mà còn trong khuôn khổ APEC.
Một đại diện khác của cộng đồng người Việt tham gia Hội thảo bàn tròn là TS Nguyễn Đình Hoàng, thành viên ban lãnh đạo Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam tại LB Nga. Trong cuộc phỏng vấn với Sputnik ông nói:
Tôi rất vui mừng được mời tham gia các cuộc thảo luận về những khía cạnh quan trọng nhất trong hoạt động của APEC và sự đối tác Việt —Nga. Các đại biểu đã đề xuất những sáng kiến và ý tưởng rất thú vị. Điều đó cho thấy rằng, người Nga có lòng quan tâm chân thành đến sự phát triển mối quan hệ đối tác với Việt Nam. Tôi cũng có một vài suy nghĩ về nội dung này. Thời gian gần đây, ngày càng có nhiều nước đang tìm cách mở rộng quan hệ thương mại và hợp tác đầu tư với Việt Nam — một quốc gia đang phát triển nhanh chóng. Nga là đối tác lâu đời nhất và đáng tin cậy của Việt Nam, Nga có nhiều thành tựu trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghiệp. Sẽ là hợp lý nếu các thành tựu này sớm được sử dụng để thực hiện mục tiêu vì một Việt Nam thịnh vượng. Ví dụ, Nga có thể tham gia xây dựng các tuyến đường sắt, đường tàu điện ngầm ở các thành phố lớn của Việt Nam.
Ban tổ chức Hội thảo bàn tròn cho biết rằng, họ sẽ thông báo với các cơ quan lập pháp và điều hành liên quan của Nga về kết quả và các đề xuất của những người tham dự cuộc gặp.