Sáng 19/10, phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc để hiểu rõ hơn về đề xuất của ông.
- Vì sao ông lại đưa ra đề xuất thành lập Viện nghiên cứu và giáo dục đạo đức cách mạng?
— Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đã có quan điểm cần xây dựng Đảng về đạo đức ngang với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức. Nhưng xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức có rất nhiều cơ quan lo rồi như Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương Đảng, Ủy Ban kiểm tra Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; nhưng mà xây dựng Đảng về đạo đức thì chưa có cơ quan nào đảm nhiệm việc này.
Vì vậy, theo tôi Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần phân công cho Ban Tuyên giáo Trung ương đảm và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh phụ trách viện này, vì "tuyên giáo" có hai chức năng, đó là tuyên truyền và giáo dục. Tuyên truyền thì rõ rồi, còn giáo dục ở đây là phải giáo dục cả về đạo đức. Ban Tuyên giáo sẽ biên soạn hệ thống tài liệu để hướng dẫn cho việc học tập về đạo đức, kết hợp với đạo đức của Bác Hồ trong toàn Đảng.
- Có ý kiến cho rằng, đã là cán bộ rồi mới uốn nắn về đạo đức sẽ khó có tác dụng. Mặt khác, trong khâu tuyển chọn cán bộ cũng đã có tiêu chí về đạo đức. Ngoài ra, giáo dục đạo đức đã được trang bị cho mỗi người từ khi còn đi học thông qua bộ môn đạo đức công dân, vì vậy việc thành lập Viện nghiên cứu và giáo dục đạo đức cách mạng là không phù hợp nếu như không muốn nói là không cần thiết, ông nghĩ sao về điều này?
— Tôi cho rằng đó là quan điểm sai lầm, vì học tập phải được thực hiện suốt đời, chứ không phải đã là cán bộ rồi là không phải học tập. Cán bộ có thành "tre" rồi thì vẫn phải uốn nắn.
Có nhiều nguyên nhân, nhưng theo tôi vừa qua đã có dấu hiệu buông lỏng về giáo dục đạo đức cho cán bộ nên mới dẫn đến những sai phạm, khuyết điểm, tham nhũng…ở một số địa phương.
Như chúng ta đã biết, quản lý xã hội bao giờ cũng có hai công cụ quan trọng, đó là pháp luật và đạo đức. Pháp luật gọi là pháp trị, đạo đức gọi là đức trị.
Pháp luật đã có Quốc hội lo, vì Quốc hội luôn hoàn thiện hệ thống pháp luật, đó là công cụ để quản lý đất nước. Nhưng mà đức trị lại chưa được quan tâm đầy đủ kể cả ở cơ quan Đảng, cơ quan Nhà nước. Tôi cũng đề xuất, học đạo đức trong trường phổ thông thì Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có một chương trình "đàng hoàng", còn bây giờ mới có môn đạo đức công dân mà chỉ học một vài tiết thì "ăn thua gì", phải dạy rất cơ bản về đạo đức công dân.
- Vậy nếu viện này được thành lập sẽ vận hành như nào, người được phân công giảng dạy cần có những tiêu chí gì, thưa ông?
— Ban Tuyên giáo sẽ biên soạn hệ thống tài liệu để hướng dẫn cho việc học tập về đạo đức, kết hợp với đạo đức của Bác Hồ trong toàn Đảng. Nội dung này cũng phải được phổ biến trong hệ thống các trường chính trị ở các tỉnh.
Cán bộ quản lý các địa phương sẽ được bố trí thời gian phù hợp để về viện học tập. Cán bộ giảng dạy trong viện sẽ được lựa chọn, nhưng phải là những người có phẩm chất tốt và kiến thức chuyên sâu về đạo đức cách mạng.
- Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Dân Trí