Chính ở đây đã xuất hiện trường học Nga đầu tiên, cuốn sách đầu tiên với chữ viết Nga, ở đây đã có một trong những thư viện lớn nhất. Mức độ văn hóa của Novgorod đã là rất cao. Trong thế kỷ XI, vua Pháp lấy công chúa Anna và đưa đến Paris, sau đó Anna đã viết thư cho cha mình Công tước Yaroslav Thông thái: "Cha đã gửi con đến một đất nước man rợ: ở đây các nhà ở ảm đạm, nhà thờ xấu xí và phong cách khủng khiếp ".
Thật vậy, vào thời Trung cổ, Paris không sánh được với Veliky Novgorod. Để hiểu tại sao công chúa Anna coi các nhà thờ Paris đều có vẻ "xấu xí", đủ để nhìn thấy những thánh đường độc đáo của Novgorod. Không ngẫu nhiên mà trung tâm lịch sử của Veliky Novgorod được đưa vào danh sách các di sản thế giới của UNESCO.
Thánh đường Sophia có vẻ đẹp đáng kinh ngạc đã được xây dựng vào thế kỷ XI và hiện nay là nhà thờ Chính thống giáo lâu đời nhất trên địa bàn Liên Bang Nga. Một đặc điểm đáng ghi nhớ của nhà thờ Thánh Sophia là, trên ngọn thánh giá của nó có một con chim bồ câu đang đậu. Con bồ câu này xuất hiện trên cây thánh giá năm 1570 khi Ivan Hung Đế tàn sát thành Novgorod. Một lần vị vua này được tin trong thành đang có kế hoạch làm phản. Nga hoàng liền kéo quân đến đây để trừng trị những kẻ phản bội, nhiều người đã bị hành quyết. Tương truyền, trong những ngày đau thương đó, một hôm có con chim bồ câu bay qua và đậu lên cây thánh giá trên nóc vòm nhà thờ Sophia. Nhìn thấy nước sông Volkhov nhuộm máu đỏ rực, chim bồ câu hóa đá. Về sau, Mẹ Thiên Chúa hiện ra với một nhà sư và nói: chim bồ câu trở thành linh vật của Novgorod. Khi nào con chim bồ câu ấy bỏ đi thì thành Novgorod sẽ bị hủy diệt. Cho nên, đó chính là vị thần đã bảo trợ cho thành phố trong vòng mấy trăm năm qua.
Hơn mười thế kỷ nay, trên những bức tường trắng của nhà thờ Sophia hoành tráng có những bức vẽ "graffiti". Cư dân Novgorod đã chia sẻ quan điểm về tôn thờ, về các bài giảng của linh mục và những sự kiện khác nhau trong thành phố. Đây là một loại "Twitter" thời Trung cổ. Những bức vẽ còn lại đang được bảo vệ chu đáo trước hết bởi vì đó là di tích lịch sử từ một nghìn năm trước đây, và thứ hai — đó là bằng chứng về mức độ giáo dục cao của cư dân thành phố Novgorod cổ. Vào thời gian khi ở châu Âu thậm chí giới quý tộc không biết viết và đánh dấu chữ thập thay cho chữ ký, những người bình thường ở Novgorod đã tích cực trao đổi thư từ với nhau.
Thời đó các sự việc quan trọng được ghi chép trên giấy da. Nhưng, giấy da là đắt tiền, vì thế rất nhiều người ở Novgorod đã sử dụng vật liệu thực tế hơn — vỏ cây bạch dương. Ngày 26 tháng 7 năm 1951, các nhà khảo cổ Liên Xô đã tìm thấy ở Novgorod bức thư đầu tiên viết trên vỏ cây. Một vài ngày sau đó đã phát hiện thêm 9 mảnh quý giá của vỏ cây bạch dương. Phát hiện này đã gây hưởng ứng rộng rãi trong giới khoa học: các bức thư trên vỏ cây là kho tàng dữ liệu lịch sử vô giá về đời sống và phong tục của người dân thời đó.
Các tin nhắn trên vỏ cây bạch dương có nội dung đa dạng: tờ giấy vay tiền, báo cáo kinh doanh, khiếu nại, thư hài hước và thậm chí tâm sự về tình yêu. Theo ý kiến của các nhà ngôn ngữ học nghiên cứu tiếng Nga cổ, 12 bức thư của cậu bé Onfim đã sống ở Novgorod vào thế kỷ XIII có giá trị cao nhất. Các bức thư đó là hồ sơ nhà trường của cậu bé — chữ cái, cụm từ, câu văn. Trong thời gian rảnh rỗi Onfim đã vẽ trên vỏ cây bạch dương những con thú kỳ lạ và chiến binh. Cũng như các cậu bé hiện đại, cháu Onfim đã mơ ước về những chiến công khi vẽ "những cảnh chiến đấu" trên mảnh vỏ cây. Onfim tự miêu tả bản thân là một kỵ sĩ lấy thanh kiếm để giết kẻ thù. Những hình ảnh hài hước đó là bản vẽ của trẻ em lâu đời nhất được biết đến.
Trên địa bàn Novgorod đã tìm thấy hơn một nghìn bức thư trên vỏ cây thế kỷ XI — XV. Rất nhiều. Tuy nhiên, theo các nhà khoa học, ở thành phố này diện tích khai quật chiếm ít hơn 2 % lớp văn hóa, do đó, những báu vật có giá trị cao nhất của Veliky Novgorod vẫn chưa được tìm thấy.