Có thể đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu
Thông tin về các chỉ tiêu kinh tế — xã hội 9 tháng đầu năm, Thủ tướng cho biết, năm nay Việt Nam dự kiến đạt và vượt toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Cụ thể, có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch và 8 chỉ tiêu đạt kế hoạch.
Người đứng đầu Chính phủ cho rằng đây là một thành công lớn của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm dần khai thác tài nguyên, chuyển sang công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển các ngành dịch vụ, du lịch.
Thủ tướng nhấn mạnh:
"Việc đạt được kết quả toàn diện trên các lĩnh vực đã góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Liên Hợp quốc đánh giá Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ".
Về cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, Chính phủ đã hoàn thiện các văn bản hành chính, pháp luật, trong đó chú trọng rà soát các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh. Qua đó, đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa trên 5.000 thủ tục hành chính.
Các đơn vị cũng chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp, về nguyên tắc không quá 1 lần/năm, công khai chỉ số cải cách hành chính của các Bộ ngành, địa phương.
"Chính phủ cũng tiếp tục đẩy mạnh tinh giản biên chế, đã giảm được 3% biên chế công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước; tập trung chỉ đạo, xử lý những sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức; trong đó đã xử lý nghiêm một số cán bộ lãnh đạo và công khai kết luận, tạo niềm tin trong người dân. Cấm biếu quà lãnh đạo trong dịp lễ, Tết; cấm sử dụng xe công đi lễ hội; chấn chỉnh việc cấp biển số xanh cho ôtô doanh nghiệp và nhận ôtô do doanh nghiệp biếu tặng", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng nghiêm túc triển khai kết luận của Tổng bí thư tại các cuộc họp lãnh đạo chủ chốt và các phiên họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; chú trọng công tác thanh tra, tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực và các vụ việc gây bức xúc.
Lãng phí, tham nhũng xảy ra nhiều nơi
Nợ công còn cao; xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn đạt thấp; phát hiện thêm nhiều dự án đầu tư của doanh nghiệp nhà nước chậm tiến độ, hiệu quả thấp, thua lỗ, thất thoát.
Nhiều cơ chế, chính sách còn bất cập; điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực rườm rà, phức tạp. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, phân bón giả, kém chất lượng, lừa đảo trong bán hàng đa cấp, tín dụng đen… vẫn xảy ra.
Tình trạng trốn, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế chưa được khắc phục hiệu quả, dịch bệnh lan rộng, diễn biến phức tạp, còn xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng, vi phạm trong quản lý dược, mất an toàn thực phẩm, ngộ độc đông người.
"Công tác thực thi pháp luật vẫn là khâu yếu; kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm. Tổ chức bộ máy còn cồng kềnh. Còn những yếu kém trong công tác cán bộ; phát hiện nhiều vi phạm trong tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ. Tinh thần, thái độ phục vụ, ý thức trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn hạn chế. Chưa chú trọng thanh tra công vụ, xử lý vi phạm chưa nghiêm", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Ngoài ra, tình trạng tham nhũng, lãng phí vẫn xảy ra ở nhiều nơi. Nhiều vụ việc khiếu nại tố cáo chưa được giải quyết dứt điểm, phát sinh điểm nóng, phức tạp, phần lớn liên quan đến đất đai. Tình hình an ninh, trật tự trên một số địa bàn diễn biến phức tạp. Nhiều vụ trọng án, tội phạm ma túy, chống người thi hành công vụ và tai nạn giao thông, cháy nổ nghiêm trọng còn xảy ra.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu từ nay đến cuối năm, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; không chủ quan trong chỉ đạo điều hành, nhất quán mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; tổ chức thành công tuần lễ cấp cao APEC…
Nguồn: Zing