Lộ cả tài liệu tuyệt mật, tối mật
"Hình thức lộ, mất bí mật nhà nước chủ yếu là qua thông tin, liên lạc; báo chí, xuất bản; quan hệ quốc tế… Một trong những nguyên nhân của việc lộ, mất nêu trên là do hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước còn chưa đồng bộ; các chế tài xử lý còn thiếu và yếu chưa bảo đảm tính răn đe; việc xử lý vi phạm còn nể nang, thiếu chủ động…"- Bộ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh.
Theo Thượng tướng Tô Lâm, qua thực tiễn thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước và yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới cho thấy Pháp lệnh bảo vệ bí mật nhà nước (năm 2000) và các văn bản hướng dẫn đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong giai đoạn hiện nay.
Cụ thể, một trong những khái niệm bí mật nhà nước còn chung chung,liệt kê gây khó khăn cho việc xác định, quản lý và sử dụng. Phạm vi bí mật nhà nước xác định theo từng cấp độ (Tuyệt mật, Tối mật, Mật) chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn nên việc lập danh mục của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Đáng chú ý, đối tượng thuộc diện lập danh mục bí mật nhà nước chưa bảo đảm tính khả thi; thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục in, sao, chụp, nghiên cứu, phổ biến, cung cấp, chuyển giao và giải mật bí mật nhà nước còn thiếu, chưa bảo đảm tính công khai minh bạch…
Ai được lập danh mục bí mật nhà nước?
Nhằm bảo đảm tính khả thi, thống nhất chủ thể được giao lập danh mục bí mật nhà nước, dự thảo Luật quy định chủ thể lập danh mục bí mật nhà nước, gồm: Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Tổng Kiểm toán nhà nước; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng; người đứng đầu các tổ chức chính trị — xã hội (khoản 3). So với Pháp lệnh, dự thảo quy định thu hẹp đối tượng không phải lập danh mục bí mật nhà nước là Trưởng các ban của Đảng, người đứng đầu các tổ chức xã hội cấp trung ương.
Theo tờ trình của Chính phủ, một trong những điểm mới quan trọng trong dự thảo Luật lần này là quy định cụ thể chủ thể được lập danh mục bí mật nhà nước.
"So với Pháp lệnh, dự thảo quy định thu hẹp đối tượng không phải lập danh mục bí mật nhà nước là Trưởng các ban của Đảng, người đứng đầu các tổ chức xã hội cấp trung ương"- Bộ trưởng Tô Lâm nói.
Đề nghị làm rõ khái niệm "bí mật nhà nước"
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết: Về khai niệm "bí mật nhà nước", có ý kiến cho rằng, để tách bạch giữa bí mật nhà nước với bí mật của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đề nghị trong khái niệm bí mật nhà nước cần quy định rõ thông tin do nhà nước quản lý và giữ bí mật (quy định tại Điều 2); ý kiến khác đề nghị nghiên cứu chuyển Điều này về Điều 3 cho phù hợp.
Theo ông Võ Trọng Việt, Ủy ban Quốc phòng an ninh nhận thấy, khái niệm "bí mật nhà nước" có ý nghĩa quan trọng, làm căn cứ để xác định các loại thông tin cần bảo vệ theo quy định của Luật này và các hình thức, biện pháp bảo vệ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân… Đồng thời, khái niệm "bí mật nhà nước" gắn với khái niệm "thông tin", vì vậy, đề nghị nghiên cứu xây dựng khái niệm "bí mật nhà nước" rõ hơn, bao hàm đầy đủ các loại thông tin cần xác định là bí mật nhà nước (trong đó bao gồm cả thông tin không do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tạo ra), làm căn cứ để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ bí mật nhà nước theo Luật này đạt hiệu quả cao.
Nguồn: Báo Hải Quan