Nhưng ở Việt Nam đang tồn tại một nghịch lý là bộ máy có xu hướng ngày càng phình to.
Bộ máy Nhà nước của Việt Nam hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Mỹ có dân số đông gần gấp 4 lần Việt Nam, nhưng đội ngũ công chức của họ chỉ có 2,1 triệu. Cứ 160 người dân Mỹ chỉ nuôi một công chức, trong khi đó 40 người dân Việt Nam phải nuôi một công chức.
Vẫn còn 7 bộ sử dụng quá số biên chế được giao ở các tổng cục. 14 bộ, cơ quan ngang bộ sử dụng quá số biên chế được giao ở các vụ, cục.
31/63 tỉnh, thành sử dụng vượt tổng số 6.376 biên chế tại các đơn vị hành chính thuộc cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Nguyên nhân của tình trạng nói trên vẫn là câu chuyện muôn thuở: Lợi ích cục bộ. Nhiều địa phương, đơn vị không muốn giảm biên chế, vì đồng nghĩa với các lợi ích kèm theo, sẽ bị cắt giảm. Khi xây dựng vị trí việc làm, nhiều đơn vị đều muốn tăng thêm, đồng nghĩa với tăng người, tăng kinh phí, giảm khối lượng công việc.
Trong xu thế chung là giảm biên chế, một số địa phương tìm cách tách huyện, thành lập huyện mới, tách thêm Sở, như thành lập Sở Cảnh sát PCCC, tách từ Công an tỉnh; thành lập Sở Du lịch (từ Sở VHTTDL). Trong khi, với địa giới và bộ máy cũ, công việc chuyên môn vẫn bảo đảm bình thường.
Tách địa phương, sở, ban mới… sẽ hết sức tốn kém về chi lương cho cán bộ lãnh đạo, phục vụ, rồi trụ sở, xe cộ, hội nghị, họp hành…
Cách đây không lâu, khi Bộ Nội vụ trình dự thảo nghị định về sáp nhập các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh thì nhiều Bộ, ngành, địa phương đều đồng thanh… phản đối.
Nếu chúng ta không quyết liệt, thì với những lợi ích chằng chịt từ cơ sở, mục tiêu tinh giản biên chế sẽ mãi xa vời.
Nguồn: Lao Động