1. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn — Đầu tư vào hàng hiệu
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã bán hàng hiệu được hơn 27 năm trong đó, theo ông từng chia sẻ, có đến 20 năm là chờ đợi cơ hội và hơn 7 năm thực sự kinh doanh đúng nghĩa. Ông còn được biết đến là chồng diễn viên nổi tiếng một thời Lê Hồng Thủy Tiên và là bố chồng của nữ diễn viên Tăng Thanh Hà.
Không gian bán hàng hiệu đúng nghĩa của ông Hạnh Nguyễn bắt đầu từ khách sạn Rex, ở quận 1, TP HCM. Nhưng không gian chỉ 4.000 m2 của Rex không đủ chỗ cho nhiều thương hiệu lớn của thế giới. Thế là ông quyết định phải thực hiện cho được giấc mơ Tràng Tiền.
Và IPP đã đầu tư 400 tỷ đồng để thực hiện dự án cải tạo Tràng Tiền Plaza thành một trung tâm mua sắm hàng hiệu đẳng cấp quốc tế. Không kể 400 tỷ đồng cải tạo, tổng số tiền hoàn thiện cho 112 gian hàng và trưng bày hàng hóa của doanh nghiệp và các đối tác tại trung tâm này đã lên đến 150 triệu USD.
Tại thời điểm năm 2012, lần đầu tiên tại Việt Nam có một trung tâm thương mại chỉ kinh doanh hàng hiệu với những cửa hàng quy mô lớn, hội tụ đủ thương hiệu hàng đầu của thế giới. Tại đây, ông Hạnh Nguyễn có 20 gian hàng. Được biết, trong danh sách 500 người có ảnh hưởng nhất làng thời trang thế giới năm 2016 do tạp chí Business of Fashion (BOF) công bố, ông Jonathan Hạnh Nguyễn và vợ là bà Lê Hồng Thủy Tiên là những người nằm trong danh sách này.
2. Bầu Đức — Nông nghiệp, bất động sản, bóng đá, thủy điện, khoáng sản
Năm 2007, bầu Đức bắt đầu đầu tư vào Lào ở 4 lĩnh vực chính là cao su, khoáng sản, thủy điện, mía đường. Tính đến năm 2014 Lào là quốc gia nước ngoài thu hút nhiều vốn đầu tư nhất của HAGL với tổng giá trị các dự án lên tới hơn 900 triệu USD tập trung chủ yếu ở tỉnh Attapeu (nam Lào) và Huaphanh (đông Lào).
Sau Lào, HAGL tiếp tục mở rộng sang thị trường Campuchia năm 2008. Tập đoàn này có khoảng 15.000 héc ta đất rừng ở miền đông Campuchia, chủ yếu dùng để phát triển cây cao su. Ngoài ra, còn có 2 mỏ sắt, nằm tại tỉnh Ratanakiri, cách nhau khoảng 20km và cách biên giới Việt Nam khoảng 40km. Tổng số vốn mà HAGL đầu tư vào Campuchia khoảng 100 triệu USD.
Thái Lan là thị trường thứ 3 mà bầu Đức "nhắm" đến. Năm 2008, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã cấp giấy phép cho Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh trực thuộc HAGL đầu tư ra nước ngoài theo hình thức liên doanh (Hoàng Anh Gia Lai Bangkok Co. Ltd) để xây dựng, mua bán căn hộ tại Thái Lan. Dự án khởi công từ tháng 9/2009, tổng vốn đầu tư là 20,4 triệu USD, trên diện tích đất hơn 5000 m2, dự án HAGL Bangkok có khoảng 140 căn hộ.
Đến năm 2012, HAGL chính thức xâm nhập thị trường Myanmar sau nhiều năm thăm dò khảo sát và chuẩn bị pháp lý. Tập đoàn này đầu tư 300 triệu USD xây dự án Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Centre. Đây là khu phức hợp trung tâm thương mại, khách sạn, căn hộ cho thuê cao cấp tại cố đô Yangon. Dự án thực hiện theo hình thức BOT thời gian 60 năm.
Ngoài ra bầu Đức từng có 5 dự án thủy điện tại Lào với tổng công suất 400 MW, tổng đầu tư 500 triệu USD. Về khoáng sản, bầu Đức sở hữu một mỏ đồng và mỏ sắt tại Sekong với giá trị đầu tư 70 triệu USD. Đó là chưa kể 2 dự án sân bay trị giá 70 triệu USD tại Attapeu và Huanphan cũng được đầu tư hơn 60 triệu USD.
3. Ông Trần Bá Dương — đầu tư vào lĩnh vực ô tô
Hiện Thaco là công ty ô tô hàng đầu Việt Nam, chiếm 41,5% thị phần, lãi sau thuế năm 2016 đạt gần 8000 tỷ đồng. Công Ty Đại Quang Minh là chủ đầu tư dự án Sala tại Thủ Thiêm, TPHCM. Vợ ông Trần Bá Dương là bà Viên Diệu Hoa, cũng là thành viên HĐQT Thaco.
4. Ông Trần Đình Long — đầu tư vào lĩnh vực vật liệu xây dựng
Ông Trần Đình Long, sinh năm 1961, tốt nghiệp Đại học Kinh Tế Hà nội, sáng lập Tập đoàn Hoà Phát (từ 1995). Vợ ông, bà Vũ Thị Hiền, cũng là cổ đông lớn của Hoà Phát, nhưng không giữ chức vụ gì. Hoà Phát là công ty sản xuất thép hàng đầu Việt nam, có tham gia kinh doanh bất động sản, nhưng lợi nhuận của tập đoàn chủ yếu từ sản xuất thép.
Năm 2016, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hoà Phát là 6600 tỷ đồng, lớn nhất trong số các công ty tư nhân Việt nam trên sàn chứng khoán. Hiện vốn hoá của Hoà Phát là 2,3 tỷ USD.
Theo đánh giá của giới đầu tư, Hoà Phát là công ty phát triển vững bền nhất Việt nam, có thể vài năm tới sẽ có lợi nhuận sau thuế hàng năm trên 10.000 tỷ đồng, sau khi dự án thép ở Dung Quất đi vào hoạt động.
5. Ông Nguyễn Đăng Quang — đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm.
Hiện MSN chiếm chi phối Vinacafe, sở hữu những thương hiệu thực phẩm nổi tiếng như Chinsu, Omachi, Nam Ngư, Tam Thái Tử, Vĩnh Hảo.. Theo một đánh giá, 98% hộ gia đình Việt dùng ít nhất 1 sản phẩm của Masan. Vợ ông Nguyễn Đăng Quang là bà Nguyễn Hoàng Yến, cũng là cổ đông lớn, thành viên HĐQT của MSN.Ông Nguyễn Đăng Quang đồng thời cũng là Phó Chủ tịch HĐQT của Techcombank — Ngân hàng mà Masan có sở hữu 15%. Techcombank là ngân hàng hàng đầu trong khối các ngân hàng thương mại tại Việt Nam.
6. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo — đầu tư vào lĩnh vực hàng không
Hãng hàng không Vietjet tuy thành lập năm 2007, nhưng đến cuối năm 2011 mới bay chuyến đầu tiên. Nhưng đến nay, Vietjet đã cạnh tranh ngang ngửa với Vietnam Airlines, thậm chí vượt thị phần tại nội địa.
Hiện giá trị vốn hoá trên thị trường chứng khoán của Vietjet (VJC) là 1,8 tỷ USD (trong khi Vietnam Airlines có giá trị vốn hoá 1,3 tỷ USD), lợi nhuận năm 2016 là 2500 tỷ đồng.
Chồng bà Thảo là ông Nguyễn Thanh Hùng, một doanh nhân nổi tiếng, cũng luôn đồng hành với bà Thảo trong các công việc kinh doanh, đầu tư. Ngoài hàng không, vị nữ đại gia này cũng là một tên tuổi trong giới ngân hàng tại Việt Nam. Bà hiện là Phó chủ tịch Thường trực HĐQT của HDBank.
Nguồn: NLĐ