Sau 14 lần chỉnh sửa, dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam do Bộ Công an chủ trì soạn thảo đang dần hoàn thiện. Theo lộ trình, dự thảo này sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thông qua tại kỳ họp thứ 5 khóa XIV.
Tuy nhiên, khoản 4, điều 34 trong dự thảo luật này đang gây nhiều tranh cãi. Cụ thể quy định đó là: "Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo mật thông tin người dùng và thông tin tài khoản của người dùng; xử lý nghiêm các hành vi sai phạm theo quy định của pháp luật".
Ông Phước cho rằng, mạng internet có đặc thù là mạng thông tin kết nối toàn cầu trên không gian mạng, nghĩa là không bị phụ thuộc vào các ranh giới lãnh thổ. Các doanh nghiệp internet vì thế cũng là các đối tượng kinh doanh xuyên biên giới. Họ cung cấp các dịch vụ trên nền tảng không gian mạng và có người sử dụng ở khắp nơi trên thế giới, bất luận họ đang ở đâu miễn là có kết nối internet. Điều này có nghĩa cả nhà cung cấp lẫn người sử dụng đều không bị giới hạn bởi rào cản biên giới.
"Vì thế, việc buộc họ phải có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, đặt máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng ở một lãnh thổ cụ thể nào đó là chuyện khó khả thi và không phù hợp với đặc thù internet. Ngay cả luật định quốc tế cũng bảo vệ sự trong suốt, rộng mở của không gian mạng", ông Phước đánh giá.
Tuy nhiên, theo ông Phước, việc cần phải xin phép hoạt động và có văn phòng đại diện ở Việt Nam là điều cũng có thể chấp nhận được. Các doanh nghiệp lớn có quy mô quốc tế nếu muốn làm ăn lâu dài và ổn định ở một nước nào đó, chắc chắn sẽ chọn cách chấp hành các quy định luật pháp của nước sở tại trong chừng mực hợp lý và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trước đó, hồi đầu tháng 11/2017, dựa trên ý kiến của các doanh nghiệp và giới chuyên môn, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có văn bản gửi Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội để góp ý đối với dự thảo Luật An ninh mạng. Trong đó, VCCI đưa ra nhận xét về hàng loạt quy định tại dự thảo mà họ cho rằng còn nhiều bất cập, chồng chéo, bất khả thi và gây khó cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp quốc tế có hoạt động trên quy mô toàn cầu.
Ngay cả trong Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam ký kết tháng 2/2016, tại Khoản 2, Điều 14.13 của Chương Thương mại điện tử cũng có quy định cụ thể: "Không bên nào yêu cầu đối tượng áp dụng của chương này được sử dụng, hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của bên mình nhằm xem đó như là điều kiện để triển khai công việc kinh doanh trong lãnh thổ đó".
Nguồn: Dân Việt