Theo ý kiến của nhà chính trị học GS Dmitry Mosyakov từ Viện Nghiên cứu phương Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Nga, Nhà Trắng đã lựa chọn thời gian và hành trình chuyến công du lần này vì trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã xuất hiện mối nguy cơ lớn nhất trong nhiều thập kỷ qua — các tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên.
Mục tiêu chính của Tổng thống Mỹ, - ông Mosyakov cho biết trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, - là tìm kiếm đồng minh để đối phó Bắc Triều Tiên, ông đang cố gắng củng cố mối quan hệ với các nước đó để cùng nhau giáng trả mối đe dọa hạt nhân từ phía Bắc Triều Tiên. Tất nhiên, ông cũng cố gắng trấn an các nước này rằng, một số câu nói của ông khi còn là ứng viên tổng thống, và việc ông rút khỏi dự án TPP không có nghĩa là Mỹ từ bỏ vai trò chủ đạo, theo quan điểm của Mỹ, trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Dưới thời ông Trump, trong chính sách của Mỹ đã gia tăng khía cạnh quân sự. Donald Trump và người tiền nhiệm Barack Obama giữ các lập trường hoàn toàn khác nhau. Lúc đầu đã có vẻ ông Trump chưa có lập trường cụ thể, nhưng, bây giờ có thể thấy rõ rằng, Hoa Kỳ vẫn sẽ hiện diện ở Đông Á và sẽ thể hiện một quan điểm cứng rắn hơn.
Ông Mosyakov cho rằng, tại cuộc gặp với nhà lãnh đạo Trung Quốc, Donald Trump đã làm rõ lập trường của Hoa Kỳ: Mỹ sẽ không bao giờ rời khỏi Biển Đông và sẽ không cho phép Trung Quốc đóng vai trò chủ đạo trong khu vực này. Lập trường này là rất rõ ràng, dù nó không được phản ánh trong các văn kiện chính thức về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo, vì nó được xác định trước bởi toàn bộ chính sách của Tổng thống Trump.