Chia sẻ về vấn đề này, đại úy Nguyễn Thành Lâm, Phó trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội — Công an Hà Nội cho rằng, trước khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được hoàn thành và đưa vào vận hành, người dân vẫn sử dụng các giấy tờ, đăng ký thủ tục liên quan lưu trú như quy định hiện hành.
Việc nhập khẩu của người tỉnh ngoài vẫn căn cứ Luật Cư trú như hiện hành. Riêng Hà Nội vẫn áp dụng Luật Thủ đô gồm các tiêu chí như việc làm, thời gian tạm trú và diện tích nhà ở.
Còn theo thượng tá Trần Hồng Phú (Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký, quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư — C72 Bộ Công an) bỏ sổ hộ khẩu tức là chỉ bỏ sử dụng cuốn sổ hộ khẩu bằng giấy, thay vào đó là quản lý bằng hệ thống công nghệ thông tin; mọi chính sách, thủ tục về đăng ký, quản lý cư trú của công dân vẫn thực hiện bình thường.
Bản thân quyển sổ hộ khẩu chỉ có ý nghĩa xác định nơi cư trú của công dân chứ không phải là thủ tục để thực hiện quản lý. Hiện các bộ, ngành đang dựa vào sổ hộ khẩu để xác định về con người và nơi cư trú của họ, tức là dựa vào đó để giải quyết thủ tục hành chính.
"Lấy ví dụ như trong khu vực chỉ có một trường học để phục vụ một số lượng nhất định mà thôi, khi số lượng vượt quá khả năng, người ta không biết dựa vào đâu thì sổ hộ khẩu là một căn cứ để họ giới hạn lại. Sau này dù bỏ sổ hộ khẩu nhưng anh là người ở đâu, cư trú tại nơi nào thì thông tin vẫn có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư" — thượng tá Phú cho hay.
Như vậy, việc bỏ sổ hộ khẩu sẽ không ảnh hưởng đến các chính sách khác, bản thân quyển sổ hộ khẩu không thể giới hạn số lượng người nhập học.
Theo thượng tá Phú, đến nay, tổng số 124 TTHC có yêu cầu thông tin công dân để giải quyết thủ tục hành chính, có phương án đơn giản hóa đối với 120 TTHC, trong đó, đề xuất bãi bỏ, hủy bỏ 25 TTHC, đơn giản hóa trình tự thực hiện đối với 12 TTHC, cắt giảm thành phần hồ sơ của 81 TTHC, sửa nội dung 2 mẫu đơn, 13 tờ khai và đơn giản hóa 31 giấy tờ công dân. Theo đó, đã đề xuất rà soát bổ sung đối với 28 TTHC.
Nguồn: Laodong