Ngày 17.11, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học "Tầm nhìn phát triển đô thị TP.HCM hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố sống tốt". Tham gia hội thảo có các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành về quy hoạch đô thị.
Nhiều thách thức trong quy hoạch
Tại hội thảo, các chuyên gia đưa ra những điểm bất hợp lý trong tầm nhìn xây dựng đô thị hiện nay, những thách thức và vấn đề cần giải quyết trong thời gian tới nếu muốn hướng đến một thành phố thông minh.
TS Nguyễn Thị Hậu — Viện phó Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM — phát biểu:
"TP.HCM từng là một thành phố cảng nhưng nay đã mất sạch. Các cảng lớn chuyển ra khỏi trung tâm. Ngay cả Tân Cảng cũng dẹp để giao đất cho đại gia bất động sản. Thứ hai, tư duy sở hữu đất theo không gian từng tỉnh làm mất đi sự liên kết giữa TP.HCM với các tỉnh lân cận. Cần bỏ ngay tư duy này nếu muốn trở thành thành phố thông minh".
Còn ông Lê Quốc Hoài — Giám đốc Khu công nghệ cao — nói:
"Quy hoạch thành phố thông minh kiểu gì mà trên Xa lộ Hà Nội có tới 4 kho chứa container, có mở rộng cỡ nào cũng tắc đường. Tư duy kiểu gì mà còn xây dựng cả chục cao ốc ngay đầu cầu Sài Gòn. Mỗi sáng, hàng chục ngàn người với hàng ngàn ô tô, xe máy đổ ra thì chắc chắn tắc đường".
Nói về thách thức để xây dựng TP.HCM thành thành phố thông minh, sống tốt, TS Dư Phước Tân — Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị thuộc Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM — chia sẻ, thách thức lớn nhất của thành phố hiện nay là phát triển dân số. Hiện nay, lượng dân nhập cư quá lớn, cần phải có lộ trình quy hoạch cho phù hợp. Người dân lại thích ở nhà ống, quá mất diện tích đất. Phải làm sao để người dân thích ở nhà cao tầng. Việc này cần có chính sách lâu dài và sự đồng thuận cao giữa dân và chính quyền. Ngoài ra, đô thị thông minh, sống tốt phải có đường sắt đô thị nhưng chúng ta làm quá chậm".
"Thành phố lại quy hoạch theo kiểu phát triển nhiều hướng, Đông — Tây — Nam — Bắc đều là chủ lực. Việc này tự dưng kéo chúng ta theo quy hoạch địa giới hành chính. Trong khi phát triển đô thị hiện đại không được áp đặt vào không gian hành chính", TS Tân phá biểu.
Xây dựng thành phố sống tốt
Muốn TP.HCM trở thành thành phố đáng sống, ông Hoài hiến kế:
"Một người dân, muốn sửa nhà thì cần thủ tục rất lâu, phức tạp, thậm chí bị vòi vĩnh. Vì thế cần xây dựng một hệ thống quản lý thông minh, người dân xem quy hoạch và xin phép sửa chữa, xây dựng ngay trên đó".
Nói về thành phố sống tốt, ông Lê Quốc Hùng — Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch miền Nam — nói rằng, đầu tiên TP.HCM phải cải thiện hạ tầng, nhất là giao thông để người dân không còn nỗi lo kẹt xe. Thứ hai, quá trình quy hoạch là phải đập bỏ nhiều công trình mang tính manh mún, tự phát. Thứ ba, đảm bảo cuộc sống người dân bằng cung cấp việc làm ổn định.
TS Nguyễn Thị Hậu cảnh báo không nên khuyến khích việc xây dựng chung cư 25m2. Bởi theo bà, việc này đáp ứng được nhu cầu nhà ở hiện tại nhưng về lâu dài sẽ là khu "ổ chuột" mới, lại phải quy hoạch lại. Bà Hậu nói cần xây dựng chung cư xã hội nhưng diện tích lớn hơn.
ThS Nguyễn Quang Trung (Trường Đại học Công nghệ TP.HCM) đưa ra kiến nghị, muốn xây dựng thành phố sống tốt trước tiên cần tổ chức tốt đời sống tinh thần cư dân đô thị. Đồng thời, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đô thị, phát huy vai trò của truyền thông đại chúng. Bởi ông Trung cho rằng, thành phố ngổn ngang, lộn xộn, thiếu văn minh có nguyên nhân là do sự phát triển văn hóa và con người không theo kịp tốc độ đô thị hóa, thiếu tác phong công nghiệp, tình trạng quá tải, cộng thêm trình độ quản lý đô thị chưa cao.
Cuối hội thảo, PGS.TS Hòa kết luận:
"TP.HCM hướng tới một đô thị thông minh, sống tốt cần có nhiều đề án của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch đô thị chứ không phải nói là làm được và ngay lập tức. Lộ trình tới năm 2020 nên các chuyên gia cần lập kế hoạch, dự thảo trình UBND thành phố, Chính phủ. Tiến tới đô thị thông minh, đáng sống sẽ có nhiều thử thách nhưng cần phải làm một cách cấp thiết".
Nguồn: Dân Việt