Những đại dự án ngàn tỷ đồng mắc nhiều sai phạm
Câu hỏi được dư luận đặt ra: Phải chăng FLC đang được chống lưng nên coi thường dư luận, thách thức pháp luật?
Vào giữa tháng 7 vừa qua, Thanh tra Bộ Xây dựng đã công bố kết luận số 265/KL-TTr đối với hai đại dự án ngàn tỷ đồng của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC mắc nhiều sai phạm.
Cụ thể, hai đại dự án tại Sầm Sơn (Thanh Hóa) và dự án Nhơn Lý (Quy Nhơn, Bình Định) của FLC trong việc thực hiện công tác xây dựng theo quy hoạch, quản lý chất lượng công trình xây dựng và hoạt động kinh doanh bất động sản có nhiều sai phạm.
Điều đáng nói, những vi phạm của Công ty cổ phần Tập đoàn FLC xảy ra trong thời gian dài, nhưng không được các cơ quan chức năng phát hiện và xử lý kịp thời, gây bức xúc trong dư luận.
Báo cáo dài 7 trang chỉ rõ những sai phạm của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Bình Định cũng như chủ đầu tư là Tập đoàn FLC ở các dự án này.
Theo đó, một loạt sai phạm xảy ra tại quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn của Tập đoàn FLC. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng.
Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa cũng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 11ha đất rừng phòng hộ làm sân golf là vi phạm quy định của Thủ tướng.
Cơ quan này còn cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 11ha đất rừng phòng hộ để thực hiện dự án FLC Sầm Sơn khi chưa có đủ điều kiện quy định của Chính phủ về thi hành Luật bảo vệ và Phát triển rừng.
Tỉnh Thanh Hóa cũng không ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch 1/500 đối với dự án sân golf và khu đô thị sinh thái của chủ đầu tư này tại Quảng Cư.
Có 2 công trình thuộc dự án FLC Sầm Sơn và 2 công trình thuộc dự án FLC Sầm Sơn Gofl Links đã thi công hoàn thành nhưng thời điểm thanh tra chưa có giấy phép xây dựng.
Đối với dự án quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp tại Nhơn Lý (Bình Định), cơ quan thanh tra cũng cho biết Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Định đã phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 không phù hợp với đồ án 1/2000.
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Định cấp phép cho 7 công trình thi công đã hoàn thành thuộc dự án này. Còn 5 công trình khác đã hoàn thành nhưng chưa có giấy phép xây dựng.
Theo đó, kể từ năm 2013 đến nay, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC liên tục xây dựng công trình kiên cố trên diện tích đất có nguồn gốc là đất nông nghiệp và tự ý lấn chiếm mương tưới tiêu phục vụ cho sản xuất khiến người dân bức xúc.
Cũng trong lĩnh vực xây dựng, vào đầu năm 2017, Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Alaska (thuộc Tập đoàn FLC) cũng được biết đến là doanh nghiệp ngang nhiên xây cả tòa nhà 18 tầng giữa Thủ đô mà không có giấy phép.
Theo đó, tòa nhà không phép trên là chung cư HH-01 cao 18 tầng thuộc Dự án khu chức năng đô thị Đại Mỗ (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ cương quyết chỉ đạo xử lý dự án trên, đồng thời chuyển hồ sơ tòa nhà không phép sang Công an Hà Nội để điều tra làm rõ.
Tuy nhiên, đến nay đã gần một năm trôi qua, nhưng vụ việc vẫn chưa được xử lý dứt điểm, cơ quan chức năng vẫn nợ dư luận câu trả lời về hành vi vi phạm pháp luật của FLC có làm được không hay là bao che.
Liên quan đến chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc Alaska (thuộc Tập đoàn FLC) mới đây bị hơn 40 hộ dân phản ánh về việc ép người mua nhà nhận nhà khi chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, nhiều hạng mục còn đang thi công dang dở, vật liệu ngổn ngang như một đại công trường.
Theo đó, chủ đầu tư cam kết quý I/2017 sẽ bàn giao nhà dự án HH2 — FLC Garden City (Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội), nhưng vì chậm tiến độ nên chủ đầu tư lại tự ý chuyển sang quý IV mới bàn giao nhà.
Thi công theo kiểu rùa bò, chủ đầu tư tòa nhà lại ép khách hàng nhận nhà khi những điều kiện tối thiểu chưa đảm bảo, cũng như các quy định về pháp luật.
Chây ì nộp tiền trúng đấu giá
Cụ thể, ngày 25/7/2017, FLC trúng đấu giá khu đất ký hiệu ĐM1 (6,4 ha tại Đại Mỗ, Nam Từ Liêm, Hà Nội) với giá 860 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến thời điểm 30/10, tức là hơn 3 tháng sau khi trúng đấu giá, FLC mới nộp được tổng cộng 98 tỷ đồng.
FLC vi phạm các quy định về đấu giá của Thành phố Hà Nội đã rõ, dù Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội được thành phố giao chủ trì xem xét hủy kết quả trúng giá của FLC đối với lô đất trên vì ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thu hồi ngân sách nhà nước, nhưng đến nay mọi việc vẫn giậm chân tại chỗ.
Một sự việc khiến người dân bức xúc đã xảy ra vào đêm ngày 19/5/2017, cảnh tượng nước mưa cuốn theo một lượng lớn đất, cát đá từ trên khu dự án sân golf của Tập đoàn FLC khiến nhiều hộ dân trong đó có một số người dân ở khu phố 6, phường Hà Lầm, Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) bàng hoàng, lo lắng.
Nhiều người dân sống khu phố 6, sống dưới chân dự án sân golf cho biết, bùn, đất đá kèm theo mưa lớn khá mạnh khiến con đường của khu phố biến thành "sông bùn", nhà nào có nền thấp thì bùn, đất cát ập vào vùi lấp hết cả đồ dùng sinh hoạt trong gia đình.
Theo đó, từ khi Dự án FLC Hạ Long Bay Golf Club & Luxury Resort (FLC Hạ Long) được Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đi vào khởi công, người dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh sống gần dự án phải hứng chịu cảnh khổ cực, đặc biệt vào những ngày mưa gió.
Cách đây ít năm, khách mua nhà tại FLC Landmark Tower (Lê Đức Thọ, Hà Nội) bức xúc trước việc Ban quản lý tòa nhà đưa ra "gói" thu phí lên tới 16 tháng (từ 1/9/2012 đến 31/12/2013) đúng nghĩa là một kiểu "tận thu".
Hộ dân còn tố sai phạm của chủ đầu tư trong việc thu phí dịch vụ, phí trông xe cùng với đó là quyền lợi tổ chức Hội nghị nhà chung cư không được đáp ứng.
Thậm chí, khách hàng không nộp đủ tiền thu phí theo thông báo, chủ đầu tư sẽ không giao nhà, hoặc có giao nhà nhưng không cấp điện nước cho người dân sinh hoạt.
Nguồn: Báo GDVN