"Tôi cho rằng những người đề xuất chuyện này không có hiểu biết gì về pháp luật dân sự", GS Đặng Hùng Võ thẳng thắn bày tỏ quan điểm. Bởi lẽ đối với con cái trong gia đình thì trong bộ luật dân sự đã nói về quyền thừa kế. Con cái được nhận thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật, con cái không có công đóng góp vào tài sản chung của bố mẹ nên không thể ghi vào là chủ tài sản.
"Nói hộ gia đình ở đây có nghĩa là hai người chủ hộ tương đương nhau là vợ và chồng. Hai người chủ của gia đình xác định quyền của mình đối với con cái, nếu con cái thực sự có đóng góp vào tài sản chung đó thì phải có sự xác thực của 2 chủ hộ. Liệu chúng ta có thể làm được điều đó không? Và xác định sự đóng góp đó bằng cách nào?", GS Đặng Hùng Võ băn khoăn trước thông tư mới.
Ngoài ra, theo GS Đặng Hùng Võ, việc viết thêm tên thành viên trong gia đình vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ làm rối việc xác định chủ của tài sản và chắc chắn sẽ gây ra tranh chấp.
"Phải xác định rõ được con cái có đóng góp vào tài sản hay không, hay chỉ có vợ và chồng. Chuyện tài sản là chuyện cần cẩn thận, chứ không phải chúng ta đưa tên vào đó một cách vô cớ", GS Võ nhấn mạnh.
Theo Thông tư 33/2017/TT-BTNMT có hiệu lực từ ngày 5.12.2017, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất.
Cụ thể, đối với hộ gia đình sử dụng đất thì ghi "Hộ gia đình, gồm ông" (hoặc "Hộ gia đình, gồm bà"), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình; địa chỉ thường trú của hộ gia đình. Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.
Nguồn: Lao Động