Cụm từ "Ấn Độ — Thái Bình Dương" liên tục được Mỹ và một số đồng minh của nước này sử dụng, thay vì cách gọi phổ biến "châu Á — Thái Bình Dương". Không chỉ là vấn đề về ngữ nghĩa, sự thay đổi này có khả năng tạo ra một cơn địa chấn làm thay đổi tình hình địa — chính trị của khu vực, SCMP nhận định.
Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ hồi tháng này tuyên bố thống nhất thiết lập một liên minh có thể tiến hành hoạt động tuần tra và tăng cường ảnh hưởng ở vùng biển từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương, tại (các khu vực tranh chấp) Biển Đông và biển Hoa Đông.
Ý tưởng về việc tập hợp nhóm 4 nước có cùng tư tưởng — được biết với cái tên Đối thoại An ninh Bốn bên hay Bộ tứ — lần đầu tiên được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra vào năm 2007. Tuy nhiên sáng kiến bị "thui chột" sau khi Bắc Kinh phản đối, nói rằng sự hợp tác quốc phòng của các nước với Ấn Độ nhằm kiềm chế Trung Quốc phát triển.
Ý tưởng này quay trở lại khi các quan chức cấp cao từ 4 nước gặp gỡ tại Manila, Philippines hôm 11/11, bên lề hội nghị thượng đỉnh khu vực trong chuyến công du châu Á của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đối trọng với Bắc Kinh
Rõ ràng là chương trình nghị sự của Bộ tứ sẽ tập trung đối trọng với Trung Quốc. Sự hồi sinh của tứ giác này cho thấy các nhà ngoại giao ở Washington, Tokyo, Canberra và New Delhi đang ngày càng cảm thấy hoài nghi, bất an về sự trỗi dậy kinh tế, quân sự của Trung Quốc.
Trong tuyên bố sau cuộc gặp, 4 nước cho biết họ cam kết đảm bảo duy trì khu vực "tự do và rộng mở", "tôn trọng luật pháp quốc tế", và "trật tự dựa trên nguyên tắc ở Ấn Độ — Thái Bình Dương". Điều này phản ánh nhận thức chung của họ rằng Trung Quốc đang không tuân thủ các quy tắc về lãnh thổ, hàng hải và thương mại.
Chiến lược mới nhằm đối trọng với Trung Quốc khởi đầu bằng việc tập hợp liên minh 4 nước trên Mỹ cho thấy rõ sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Bắc Kinh và Washington trong khu vực.
Cuộc gặp Bộ tứ diễn ra vào thời điểm Mỹ dường như đang thay đổi trọng tâm chiến lược. Trong chuyến công du Đông Á, ông Trump cũng nhắc tới khu vực bằng cụm từ "Ấn Độ — Thái Bình Dương", không phải là "châu Á — Thái Bình Dương" như những người tiền nhiệm.
Triển vọng hình thành một 'NATO của châu Á'
Chiến lược này có vẻ thuộc về nội dung "cân bằng cứng" trong chính sách ngoại giao Đông Á của Tổng thống Trump. Ông coi đó là cách để duy trì sự hiện diện của Mỹ trong khu vực sau khi hủy bỏ chính sách "xoay trục" của người tiền nhiệm Barrack Obama và rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, những động thái cho thấy sự rút lui của Mỹ khỏi khu vực.
Mặc dù luôn đóng vai trò cường quốc số 1 ở Thái Bình Dương kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai, Mỹ hiếm khi mở rộng hoạt động quân sự và ngoại giao ra Ấn Độ Dương. Những động thái mới của Mỹ một mặt cho thấy sự cam kết của Washington — cả về an ninh và ngoại giao — với khu vực, mặt khác nhấn mạnh tầm quan trọng của Ấn Độ như một đồng minh.
Những nước nhỏ như Hàn Quốc, Singapore, Indonesia, Philippines và Việt Nam có thể có lợi từ một liên kết do Mỹ dẫn đầu trong một "Ấn Độ — Thái Bình Dương" đa cực, nhằm kiểm soát sức mạnh của Trung Quốc.
Nó cũng thể hiện tầm quan trọng ngày càng lớn của địa chính trị hàng hải trong một thế giới ngày càng hội nhập. Về mặt kinh tế, chiến lược này có thể coi là một phản ứng đối với "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc, sáng kiến nhằm thiết lập tuyến thương mại lấy Trung Quốc làm trung tâm từ Philippines đến biển Địa Trung Hải.
Các thành viên Bộ tứ không tuyên bố công khai mục đích kiềm chế Trung Quốc. Họ nói mục tiêu của nhóm là nhằm thúc đẩy tự do, dân chủ và đảm bảo chủ nghĩa tự do thắng thế trong khu vực.
Thế nhưng, cái giúp gắn kết Bộ tứ không phải hệ ý thức chung giữa các thành viên mà là lợi ích tương đồng trong các vấn đề an ninh khu vực, bao gồm Triều Tiên, Biển Đông, biển Hoa Đông. Liên minh các quốc gia dân chủ này mở ra tiềm năng để xây dựng một NATO của châu Á, có thể thay đổi mạnh mẽ tình hình an ninh khu vực trong những thập niên tới.
Nguồn: news.zing