"Chúng ta không nên vì thấy lạ mà vội vã phản bác".
Tổng thư kí Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết, chính ông đã đọc bài nghiên cứu về đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS.TS. Bùi Hiền từ tháng 9/2017 tại hội thảo "Ngôn ngữ ở Việt Nam: Hội nhập và Phát triển" (do Hội Ngôn ngữ học Việt Nam và Trường ĐH Quy Nhơn tổ chức).
Hơn thế, PSG.TS. Phạm Văn Tình còn là người biên tập chính cho cuốn kỷ yếu và đã đồng ý cho in bài tham luận của PGS.TS. Bùi Hiền vì tôn trọng ý kiến cá nhân. PGS.TS. Bùi Hiền đã bỏ nhiều công sức và tâm huyết cho ý tưởng của ông.
"Ta hãy khoan tới tính đúng sai của vấn đề mà nên trân trọng thái độ lao động nghiêm túc đó. Chỉ có cái khác là, trong số hơn 260 báo cáo hướng về chủ đề "Hội nhập và Phát triển" thì báo cáo của PGS. Bùi Hiền quả là lạ vì vấn đề này đưa ra bàn bây giờ vừa cũ, vừa khó thực thi", ông Tình chia sẻ.
"Một hội thảo khoa học, càng nhiều ý kiến khác nhau càng phong phú. Nhưng tôi phải khẳng định, ý tưởng cải tiến chữ tiếng Việt mới chỉ dừng lại là ý kiến của một nhà ngữ học, trình bày về một ý tưởng đã từng có. Đây chỉ là ý kiến cá nhân, không phải quan điểm của giới ngôn ngữ học, càng không phải quan điểm từ phía Nhà nước đem áp dụng cho tiếng Việt hiện nay.
Bởi không dễ dàng thay đổi chữ viết tiếng Việt. Người Anh, người Pháp còn đi trước ta về việc xóa bỏ các bất hợp lí về chữ viết nhưng cũng chịu bó tay cơ mà!".
Từng có nhiều dịp làm việc, tiếp xúc với PGS.TS. Bùi Hiền — tác giả công trình cải biên bảng chữ cái từ 38 chữ xuống còn 31 chữ, PGS.TS. Phạm Văn Tình bày tỏ:
"Ông Bùi Hiền có luận cứ riêng của ông, chúng ta nên ghi nhận tinh thần, thái độ của ông đối với tiếng Việt. Đó là một nhà giáo, nhà khoa học nghiêm túc, tâm huyết".
Cũng theo ông Tình, không phải cứ cái gì lạ, khó thì ta lại chỉ trích, ném đá!
"Tôi nhớ lại mấy năm trước đây, khi TS. Quách Tuấn Ngọc có đề xuất đưa thêm 4 chữ cái (F, J, F, W) vào Bảng chữ cái tiếng Việt cũng nhận được phản ứng rất gay gắt từ phía dư luận.
Hiện nay tiếng Việt có nhiều vấn đề đáng quan tâm, như hiện tượng sử dụng tiếng nước ngoài bừa bãi, ngôn ngữ thời đại công nghệ số, tiếng lóng các loại… Trước đây cũng có rất nhiều ý tưởng cải tiến chữ Quốc ngữ được đưa ra, nhưng thực tế đã vấp phải nhiều trở ngại. Do thói quen sử dụng và nếu thay đổi sẽ kéo theo rất nhiều hệ lụy, làm đảo lộn nhiều thứ (dạy học sinh thế nào, xử lí các văn bản trước đây ra sao, phải cải tiến một loạt các cách viết cho toàn xã hội nói chung…).
"Mọi người cứ yên tâm, chưa có vấn đề gì nghiêm trọng cả. Giới Ngôn ngữ học coi đây là chuyện cũ, quá bình thường. Chữ quốc ngữ hiện thời vẫn đang đồng hành cùng tiếng Việt và không dễ dàng thay đổi được nó, mặc dù nó còn bộc lộ những bất hợp lý. Tuy nhiên những bất hợp lý này cũng giống như những bất hợp lý của nhiều ngôn ngữ khác. Việc ta trao đổi cứ trao đổi, vì khoa học chấp nhận điều này. Tôi nhắc lại, trong Kỉ yếu (NXB Dân Trí, 2017) vừa rồi, có in 264 báo cáo mà trong đó, nhiều vấn đề hay và "nóng" hơn nhiều" — PGS.TS. Phạm Văn Tình nhấn mạnh.
Xin đừng "ném đá"
Đó là cảm thán của ông Lê Quốc Hạnh (nguyên Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Hà Nội) khi thấy mấy ngày nay, trên mạng xã hội nhiều người "ném đá" PGS.TS. Bùi Hiền về ông giới thiệu đề xuất thay đổi bảng chữ cái tiếng Việt tại việc một hội thảo khoa học.
"PGS. Bùi Hiền là một nhà giáo lão thành đáng kính, có nhiều đóng góp cho giáo dục nước nhà, đặc biệt là trong lĩnh vực sư phạm, phương pháp giảng dạy. Thầy Bùi Hiền không phải là chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ học, nhưng rất am hiểu về lĩnh vực này.
Tôi tin rằng những ai am hiểu về ngôn ngữ học đều coi đề xuất của thầy Bùi Hiền không phải là một điều gì "quái gở", "kỳ cục" như cách phản ứng của nhiều người trên mạng xã hội!", ông Lê Quốc Hạnh nêu quan điểm.
Theo ông Hạnh, bản thân ông khi giảng bài cho sinh viên về Phonology hay Introduction to Linguistics cũng đã đề cập tới thực trạng quá trình phát triển của mỗi ngôn ngữ và hội nhập của các ngôn ngữ dẫn tới sự lệch nhau giữa số lượng chữ cái (letters) và số lượng âm vị (phonemes) trong các ngôn ngữ. Đó là một hiện tượng rất bình thường. Ví dụ /k/ được biểu đạt bằng "ch" (school), "c" (call), "q" (queue)… Hay như chữ cái "a" lđược phát âm khác nhau trong các từ date, many, family, tall, adequate, woman, father…
"Từ hàng chục năm trước Bác Hồ cũng đã từng viết "Đường Kách mệnh", "nhân zân"…. đó thôi.
Đề xuất của thầy Bùi Hiền thực ra chỉ thể hiện mong muốn tiến đến việc thống nhất số lượng chữ cái và số lương âm vị mà thôi. Ngày còn lên lớp, để học trò dễ tiếp thu, tôi đã giải thích cho các học trò là hiện tượng một âm được thể hiện bằng nhiều chữ cái hay một chữ cái có thể biểu đạt cho nhiều âm là không khác gì trường hợp trong gia đình có đứa con được nuông chiều thì có đến mấy cái áo, mấy đứa không được cưng chiều thì lại mặc chung một cái áo.
Cá nhân tôi không ủng hộ việc thay đổi bảng chữ cái như thầy Bùi Hiền đề xuất, không phải vì đề xuất này phản khoa học, mà vì việc thay đổi dẫn đến nhiều hệ lụy, và vài lý do khác nữa", ông Hạnh chia sẻ.
Nguồn: Dân Trí