Sáng 26/11, TP.HCM tổ chức hội nghị kêu gọi xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt — phát điện. Đây là lần đầu tiên thành phố có hội nghị kêu gọi đầu tư vào xử lý rác trong bối cảnh số lượng rác đã đạt đến ngưỡng hơn 8.000 tấn/ngày.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP.HCM Nguyễn Toàn Thắng nhận định TP.HCM đang đối mặt với nhiều vấn đề môi trường, đặc biệt là việc xử lý rác thải đô thị với khối lượng lớn. Không chỉ rác thải sinh hoạt, các chất thải khác như chất thải rắn công nghiệp, nguy hại, chất thải y tế cũng tăng.
Tuy nhiên, công nghệ xử lý chất thải của TP.HCM hiện chủ yếu dừng lại ở chôn lấp. Phương pháp này gây ảnh hưởng đến nước ngầm, đất, không khí cũng như lãng phí tài nguyên.
Theo số liệu của Sở TN&MT, khối lượng chất thải sinh hoạt mỗi ngày của TP lên tới 8.700 tấn trong bối cảnh khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước là bãi chôn lấp rác duy nhất của thành phố. Hai công ty xử lý và tái chế rác là Việt Star và Tâm Sinh Nghĩa chỉ xử lý được một lượng khiêm tốn.
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận TP phải xây dựng được những nhà máy xử lý rác thải thông minh để giải quyết khối lượng rác ngày càng tăng.
"Thành phố sẽ tổ chức đấu thầu công khai nhằm lựa chọn các dự án xử lý chất thải phù hợp", — ông Tuyến nói.
Bên cạnh đó, UBND TP.HCM cũng cam kết sẽ có những chính sách hỗ trợ, ưu đãi với doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này như về đất, hỗ trợ giá mua, bán điện, hỗ trợ lãi vay cho nhà đầu tư, hỗ trợ chính sách thuê nhập khẩu và thuế thu nhập doanh nghiệp.
Theo dự báo đến năm 2020, TP.HCM sẽ thải ra hơn 10.000 tấn rác/ngày, chất thải nguy hại là 549 tấn/ngày, chất thải y tế đạt 30 tấn/ngày. Đến năm 2025, con số tăng lên gần 13.000 tấn/ngày, chất thải nguy hại và chất thải y tế cũng tăng mạnh.
Trong khi đó, sau khi đóng cửa bãi rác Phước Hiệp (Củ Chi) năm 2015, TP.HCM chỉ còn duy nhất bãi rác Đa Phước (Bình Chánh). Theo ước tính, bãi rác này hiện xử lý hơn 5.400 tấn rác/ngày.
Nguồn: news.zing