Đó là "Đối thoại an ninh bốn bên", hay là nhóm Bộ tứ, bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Ý tưởng thành lập nhóm đã được Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đưa ra vào năm 2007 nhưng không được thực hiện. Và bây giờ, sau hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Manila, nó lại là một vấn đề trong chương trình nghị sự. Mục tiêu của liên minh là tuần tra các tuyến đường hàng hải từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương để đảm bảo một khu vực Ấn Độ — Thái Bình Dương "tự do và rộng mở", "tuân thủ các quy tắc luật pháp và trật tự quốc tế ". Theo ý kiến của các chuyên gia, tổ chức này rõ ràng là mang tính chất chống Trung Quốc. Việc phục hồi ý tưởng này là do mong muốn của Hoa Kỳ duy trì sự hiện diện của họ trong khu vực bằng cách tạo ra mặt trận chống Trung Quốc và là phương án đối trọng với dự án của Trung Quốc "Một vành đai — một con đường".
"Sáng kiến này đặt ra mối đe dọa đối với các tuyến đường thương mại từ Trung Quốc sang châu Phi, nơi mà Trung Quốc đã tăng cường vị thế của mình trong thời gian gần đây. Ngoài ra, đây là tuyến đường chủ đạo vận chuyển nhiên liệu từ Trung Đông tới Trung Quốc. Nước này đang có nhiều nỗ lực để bảo đảm an toàn các tuyến đường thương mại của mình, và phản ứng của nó sẽ rất mạnh mẽ và nhanh chóng", như nhận xét của Grigory Lokshin, chuyên gia Viện Nghiên cứu Việt Nam và các nước ASEAN thuộc Viện Hàn lâm Khoa học LB Nga.
Còn nhà khoa học chính trị, Giáo sư Vladimir Kolotov tại Đại học Tổng hợp St Petersburg đã rất ngạc nhiên trước quyết định gia nhập nhóm Bộ tứ của Ấn Độ.
"Điều đó giống như ném đá vào ngôi nhà bằng kính, bởi vì Trung Quốc luôn có sẵn điều gì đó để trả lời lại Ấn Độ, đặc biệt là với sự giúp đỡ của đồng minh Pakistan. Giống như Trung Quốc, Ấn Độ là thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ( SCO). Và chính vai trò của SCO đã giúp ngăn chặn việc phát triển xung đột mạnh mẽ giữa hai cường quốc hạt nhân trong các sự kiện trên cao nguyên Daklam mùa hè năm nay, đồng thời chứng tỏ rằng bất đồng giữa các quốc gia có thể và cần được giải quyết một cách hòa bình, thông qua con đường đàm phán".
Chuyên gia Nhật Bản, Giáo sư Đại học Quốc tế Tokyo Kurihara Hirohide cho rằng mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể là một tấm gương cần noi theo.
"Nhật cần học hỏi từ Việt Nam cách hành động xử thế với Trung Quốc. Ở Nhật Bản, Trung Quốc chưa được biết đến tường tận, đây là một quốc gia xa xôi và lạ lẫm đối với chúng tôi. Người Việt Nam đã nghiên cứu khá rõ về nước láng giềng phía Bắc, quốc gia mà họ đã có những mối quan hệ phức tạp trong nhiều thế kỷ, họ đã học được cách đối phó với Trung Quốc trong việc tìm thấy sự cân bằng giữa hợp tác và bảo vệ lợi ích quốc gia của mình, và kinh nghiệm này cần được nghiên cứu thấu đáo", chuyên gia Nhật Bản nói như vậy trong cuộc phỏng vấn với Sputnik.