Ảnh hưởng nhiều thứ trong khoảng 3 tháng
Theo TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, việc tăng giá điện sẽ đẩy lạm phát và chi phí của toàn xã hội lên cao, đẩy lạm phát lên cao.
"Theo tôi, lạm phát thời kỳ này là không cao lắm, và có thể cơ quan quản lý đã tính toán tăng giá lúc này", ông Thành nói.
Về mặt xã hội, TS. Nguyễn Đức Thành cho rằng sẽ gây ra áp lực tăng giá của nhiều loại mặt hàng, gây khó khăn cho người dân. Về phía doanh nghiệp cũng chắc chắn sẽ gặp khó khăn hơn trong sản xuất kinh doanh.
Về chính sách kinh tế vĩ mô, TS. Thành nhấn mạnh chắc chắn năm sau phải có sự thận trọng trong chỉ đạo điều hành. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh việc tăng giá một lần này sẽ không tạo ra làn sóng lạm phát. Lạm phát sắp tới có thể xuất phát từ việc cung tiền.
"Việc tăng giá điện sẽ tác động không lâu dài, có thể chỉ kéo dài khoảng 3 tháng. Giá tăng sẽ từ từ dịch chuyển, tăng sự phiền hà cho xã hội, khó khăn cho người sản xuất và người tiêu dùng. Cũng giống như domino làm ảnh hưởng nhiều thứ trong khoảng 3 tháng", TS. Thành nhấn mạnh.
Về cơ chế tăng giá điện, TS. Thành cho rằng chỉ dựa vào một bên bán độc quyền hạch toán chi phí theo cách không minh bạch.
"Việc tổ chức kiểu này là vô nguyên tắc, vô trách nhiệm, nó gây ra lộn xộn. Chúng ta đang bị kẹt. Chúng ta như đang là con tin của EVN. Tăng giá hay làm gì, họ đòi hỏi gì thì chúng ta phải đáp ứng, gây ra phiền phức trong xã hội", ông Thành thẳng thắn.
Sự hợp lý trong tăng giá điện đến đâu khó đánh giá
"EVN nói bị lỗ, nếu họ bán điện dưới giá thành thì không thể thu hút nhà đầu tư. Về mặt nào đó, việc tăng giá điện có sự hợp lý nhất định. Nhưng sự hợp lý đến đâu thì khó mà có thể đánh giá được, vì không có nhiều cơ sở khách quan", ông Doanh nói.
Phân tích cụ thể hơn, TS. Lê Đăng Doanh cho biết việc tăng giá điện cuối năm là lúc các doanh nghiệp đang dồn sức hoàn thành các công việc, hợp đồng. Việc tăng giá điện lúc này sẽ gây áp lực lớn với doanh nghiệp. Doanh nghiệp vẫn phải hoàn thành các kế hoạch được giao trong khi chi phí đầu vào tăng nên sẽ gặp khó khăn.
Tăng giá điện cũng sẽ tăng chi phí đầu vào. Giá cả hàng hóa sẽ tăng lên, năng lực cạnh tranh sẽ bị ảnh hưởng. "Tuy nhiên, EVN có cái lý là họ đang bán điện dưới giá thành. Trong thời gian qua, giá cả các nguồn nguyên liệu đầu vào như than, khí đều tăng lên. EVN nâng giá điện cũng nhằm thu hút các nhà đầu tư vào ngành điện", ông Doanh nói.
TS. Doanh cũng phân tích việc lỗ lãi của EVN đang có những ý kiến khác nhau, do chưa có một đánh giá độc lập nên khó nói chính xác. Và như vậy, khó có thể đánh giá việc tăng giá điện vào thời điểm này là hợp lý hay chưa.
"Chúng ta cần phải có cải cách cơ chế, người mua cũng phải đóng góp ý kiến. Chúng ta cần tái cấu trúc lại thị trường điện để có sự cạnh tranh, minh bạch các đơn vị có thể giám sát lẫn nhau", TS. Doanh đề xuất.
Từ góc độ người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, cho rằng việc tăng giá điện là sự đã rồi. Và việc điện tăng giá chắc chắn sẽ ảnh hưởng nhiều đến các lĩnh vực khác nhau trong xã hội.
"Người tiêu dùng phải tăng chi trả trực tiếp không chỉ là 6,08%, và còn trả cho các mặt hàng gián tiếp tăng lên nữa, nên con số thực sự không biết là bao nhiêu", ông Hùng nói.
Ông Hùng tiếp tục đề xuất việc tăng giá điện cần phải vận hành theo cơ chế thị trường có cả ý kiến đánh giá của người mua và người bán.
Nguồn: Zing