Trước đây, trên sàn chứng khoán, Tasco được coi là đại gia trong lĩnh vực các dự án BOT. Bởi vì DN này chuyên xây dựng các tuyến đường giao thông, sau đó thu phí. "Đại gia" này cũng dính đến vụ là nhiều lái xe dùng tiền lẻ mua vé qua trạm thu phí Tasco trên Quốc lộ 1A (đoạn qua xã Quảng Phú-Quảng Bình) để đề nghị miễn giảm phí cho người dân địa phương.
Cùng với việc thất thủ các trạm thu phí Biên Hoà, và mới đây nhất là trạm BOT Cai Lậy, năm 2017, ban lãnh đạo Tasco sẽ hoàn tất 28 trạm thu phí tự động. Đến năm 2018 sẽ lắp hai làn tiếp theo và 2019 sẽ lắp tất cả các cửa thu phí tự động trên toàn quốc…Nhìn vào quá trình kinh doanh và báo cáo tài chính của đại gia BOT này cho thấy, so với các ngành kinh doanh khác doanh thu và lợi nhuận sau thuế không mấy hấp dẫn và giá cổ phiếu có thể nói rất bèo bọt, chỉ nhỉnh hơn giá trị sổ sách vài đồng.
Tính đến phiên giao dich ngày 1/12 giá cổ phiếu giao dịch trên sàn của Tasco dừng lại ở mức 11.900 đồng/cổ phiếu…Rõ ràng so với các ngành khác thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) 9 tháng của Tasco đạt 1.263 đồng ở mức không mấy hấp dẫn giới đầu tư.Không chỉ có Tasco, nhiều DN kinh doanh hạ tầng khác cũng đành "ngậm ngùi" chia tay các dự án BOT, Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc là một nhà đầu tư BOT tên tuổi với nhiều dự án, như cầu Cổ Chiên có tổng mức đầu tư 2.308 tỷ đồng, đường cao tốc Trung Lương — Mỹ Thuận — Cần Thơ có tổng vốn đầu tư gần 15.000 tỷ đồng…
Tuy nhiên, gần đây, Công ty Tuấn Lộc hầu như không đề xuất thêm dự án BOT nào. Tiếp đó, là DN Cienco 4. Tên tuổi của Cienco 4 gắn liền với nhiều dự án BOT tại Nghệ An, như Dự án Xây dựng cầu Yên Xuân, Dự án Tuyến tránh Thành phố Vinh (Nghệ An), Dự án Nam Bến Thủy — tuyến tránh Thành phố Vinh…
Được biết, khi Trạm thu phí cầu Bến Thủy hoàn vốn cho các dự án này đang vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ người dân…Từ đại gia Tassco đến nhiều DN khác chuyển hướng sang làm các dự án BT, các chuyên gia trong lĩnh vực BĐS cho rằng, sở dĩ các nhà đầu tư "thích" dự án BT vì đây là hình thức đầu tư ít rủi ro. Khi thực hiện dự án theo hình thức này, nhà đầu tư được nhà nước thanh toán ngay bằng quỹ đất, trong khi so sánh với dự án BOT thì phải mất một thời gian để thu phí hoàn vốn, rủi ro vì thế cũng nhiều hơn.
Đánh giá về cổ phiếu các DN hạ tầng, đặc biệt là các DN sở hữu các dự án BOT, nhiều chuyên gia cho rằng, các DN đầu tư BOT có được các mặt lợi như: được tài trợ khoảng 80%-85% bằng vốn vay ngân hàng. Thời hạn trả nợ kéo dài, tương ứng với thời gian thu hồi vốn của dự án, đồng thời thời gian thu phí đối với các dự án BOT cũng kéo dài, khoảng 10-11 đến 20-30 năm tùy quy mô từng dự án. Đặc biệt, các dự án BOT giao thông thường được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN với mức thuế suất 10% trong 15 năm… nên cổ phiếu các DN này cũng rất đáng để đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Hải- Chuyên gia kiểm toán KPMG nhận định, có thể nói, lợi thế của những DN tham gia đầu tư hạ tầng các dự án BOT là thu được "tiền tươi" từ phí và DN ít phải lo lắng về vấn đề dòng tiền. Tuy nhiên, tính ra thì tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) thường chỉ ổn định trên dưới 10%, trong khi vốn đầu tư lại bị ‘giam' quá lâu nên hiệu quả đầu tư trong ngắn hạn không thể so với những ngành đang tăng trưởng nóng khác…
Theo Diễn đàn Doanh nghiệp