TS Trịnh Thu Tuyết (Nguyên giáo viên dạy môn Ngữ văn, trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) cho biết:
"Mỗi người đều có quyền đưa ra quan điểm riêng của mình, tôn trọng sự khác biệt là nguyên tắc sống nhân văn nhất. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc chúng ta giúp lan truyền và chấp nhận những phát ngôn có thể gây phương hại tới những giá trị đích thực trong cộng đồng. Vì vậy, tuyệt đối không thể chấp nhận đề nghị loại bỏ tác phẩm Chí Phèo ra khỏi chương trình SGK phổ thông".
Cô Nguyễn Hằng Nga, Tổ trưởng môn Ngữ Văn Trường THPT Hoài Đức B, Hà Nội cho rằng, "Chí Phèo" là tác phẩm văn xuôi hiện thực xuất sắc trước Cách mạng tháng 8/1945 của nhà văn Nam Cao. "Tác phẩm đã phản ánh sinh động hiện thực xã hội giai đoạn 1930-1945 được nhiều nhà bình luận đánh giá cao. Còn cách nói như anh Sóng Hiền chứng tỏ người này không đặt văn chương vào thời đại của nó cũng như không có con mắt nhìn lịch sử, không hiểu tác phẩm văn học", cô Nga nói.
Chí không 'xâm hại' Thị Nở
Trong đó, nhân vật Chí Phèo là điển hình cho tầng lớp nông dân bị hoàn cảnh, xã hội đẩy đến đường cùng, bị lưu manh hóa. Cô Nga cho rằng, anh Sóng Hiền nói như vậy chứng tỏ anh không hiểu gì về nhà văn Nam Cao. Anh nói:
"Chí phèo xuất thân không cha, không mẹ, không nhà cửa, không người thân, không được giáo dục, Chí được nhặt về nuôi và đi ở hết nhà này sang nhà khác". Nếu xuất thân như vậy mà cho rằng, Chí đại diện cho tầng lớp nông dân thì "mang tiếng" cho nông dân mình quá là không được.
Theo cô Nga, Chí được sinh ra trong giai đoạn 1930-1945, khi đó xã hội có đến 80% là nông dân thì đương nhiên Chí phải xuất thân là tầng lớp nông dân. Còn xã hội nào mà đứa con sinh ra mồ côi cha, mồ côi mẹ thì đã là sự thiệt thòi. Tuy nhiên, không phải đứa con mồ côi nào cũng hư hỏng như Chí. Chí là nhân vật bị hoàn cảnh, xã hội đẩy đến đường cùng, tha hóa, biến chất và trở thành lưu manh.
Tác giả Sóng Hiền có ý không hiểu sao:
"Nhiều nhà phê bình và học giả còn hình tượng hóa cái cảnh Chí uống rượu say rồi cưỡng bức Thị Nở và xem đó như sự thức tỉnh tính thiện trong con người Chí". Tuy nhiên, cô Nga cho rằng, nếu đọc, hiểu như vậy thì anh Sóng Hiền đã không nhìn thấy được cái hay, ý nghĩa nhân văn của cốt truyện. Anh càng không thấy cái tài của nhà văn Nam Cao khi đẩy tình tiết lên đến cao trào. "Ở tình huống Chí Phèo và Thị Nở, ban đầu có vẻ như là Chí uống rượu say và định hiếp Thị nhưng sau đó có sự đồng thuận của Thị. Thậm chí, sáng hôm sau, Thị Nở còn có hành động kiểu trả ơn như: dìu Chí vào nhà, nấu bát cháo hành…Như vậy, đó là cuộc tình chứ làm sao gọi đó là hiếp dâm được".
Cô Nga cho rằng, nhà văn Nam Cao đã bênh vực bản chất lương thiện của người nông dân, dù có bị đẩy đến đường cùng, trở thành "con quỷ", "lưu manh hóa" nhưng đến khi chỉ cần gặp được một chút ân tình của người phụ nữ "nửa người nửa ngợm" vẫn khơi dậy được tính thiện trong đó. Chỉ khi, Chí bị Thị Nở từ chối, Chí không thể quay lại làm người lương thiện được nữa nên tác giả chọn cái kết bi kịch.
"Tuy tác phẩm có kết thúc bi kịch nhưng lại mang tính giáo dục cao. Hiếm có nhà văn nào nhìn thấy được bản chất lương thiện của người nông dân như Nam Cao", cô Nga nói.
Tác giả đề xuất rất non tay
Bà Lê cho rằng, bài viết của tác giả Sóng Hiền thể hiện một góc nhìn khác của cá nhân người viết là rất đáng trân trọng nhưng đề xuất loại khỏi chương trình là non tay và không hợp lý. Việc tác giả áp đặt rằng hiện nay đang dạy như thế thì không đúng và nếu vẫn còn ai dạy như thế thì thật là buồn.
Theo bà Lê, dạy học và dạy môn Văn là quá trình vận động và biến thiên cho phù hợp đối tượng, tâm thế, tâm lí từng lớp, từng vùng văn hóa và giai đoạn lịch sử.
Ví dụ, chi tiết anh Sóng Hiền đưa ra là Chí Phèo hiếp Thị Nở, tôi cho rằng, không nên có cái nhìn duy lý hiện đại để bình luận, áp đặt tác phẩm. Trong tình tiết đó, Chí đã được sự đồng thuận của Thị Nở và nhờ có Chí, hai con người ở đáy xã hội mới biết thế nào là tình yêu, đó cũng là ý nghĩa nhân văn, cái hay của tác phẩm.
Đương nhiên, ở một góc độ khác, những vấn đề anh Sóng Hiền đưa ra, mình nghĩ rất nên đưa vào bài giảng để học sinh thảo luận. Đó là góc nhìn mới mà không phải giáo viên nào cũng ý thức áp dụng khi dạy Văn học. Văn học hiện nay không nên rao giảng giáo điều mà phải khơi gợi để chính học sinh bật ra những suy nghĩ và cảm nhận. Từ đó, uốn nắn hành vi cho trẻ vì dạy văn chính là dạy người.
Theo bà Lê, giá trị văn chương lớn lao của tác phẩm mới cần khai thác và nói đến. Còn nội dung anh Sóng Hiền đưa ra, không phải là cốt lõi của câu chuyện.
Chí Phèo không cha, không mẹ, không nhà, không cửa, đã từng được xã hội ưu ái nhưng sau đó hoàn cảnh, xã hội đã đẩy Chí đến đường cùng, Chí bị tha hóa, trở thành quỹ dữ. Tuy nhiên, bi kịch của Chí là bi kịch cá nhân. Thân phận của Chí Phèo tiêu biểu cho một bộ phận nông dân đường cùng bị tha hóa chứ không đại diện tiêu biểu cho người nông dân thời đó. Vì vậy, nói Chí Phèo đại diện cho tất cả nông dân Việt Nam thời đó là không chính xác nhưng bảo không tiêu biểu cũng không đúng.
Cái tài của nhà văn Nam Cao chính là ở xã hội nào chúng ta cũng nhìn thấy bóng dáng Chí Phèo.
"Tôi từng nói với học sinh, Chí Phèo 99% là xấu nhưng điều kỳ diệu là nhà văn Nam Cao đã nhặt ra 1% cái tốt đẹp trong anh ta để chúng ta nâng niu, trân trọng. Đấy mới là điều cần dạy cho học sinh nhất.", bà Lê nói,
Tuy nhiên, ở một góc độ nào đó, tôi cũng thích cách nhìn mới của anh Sóng Hiền. Trong phần liên hệ thực tiễn, tôi vẫn thường nói với học trò việc phải tránh là tránh không bị tha hóa trước bất kỳ hoàn cảnh xã hội nào.
Nguồn: VTCNews, Tiền Phong