Trong đó, riêng chi phí xây dựng bị đề nghị giảm 37,698 tỷ đồng do tính toán sai khối lượng so với hồ sơ hoàn công (1,996 tỷ đồng); do điều chỉnh đơn giá bê tông nhựa theo thiết kế thành phần cấp phối được duyệt (31,734 tỷ đồng); do tận dụng cát gia công để đắp đường theo thực tế thi công (951 triệu đồng)…
Nhìn vào những con số trên, có thể thấy, chỉ cần tính khác đơn giá bê tông thôi, số tiền đã chênh lệch "khủng". Đúng như nhận định của một số chuyên gia giao thông, với dự án BOT, việc "ăn đậm" có thể diễn ra trong quá trình thi công nhờ vào việc điều chỉnh có chủ ý. Sau này, nhờ sự mâu thuẫn của các nhà đầu tư trong dự án Pháp Vân-Cầu Giẽ (Hà Nội), người ta còn biết thêm về sự gian lận trong cách tính toán phương tiện qua trạm (lưu lượng xe nhiều, tính thành ít để tăng thời gian thu phí).
Chưa kể, trong quá trình thi công, dự án này bị chậm 17 tháng tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng gặp khó khăn; việc thực hiện các thủ tục liên quan tới chuyển nhượng nhà đầu tư bị chậm…
Cũng phải nói thêm, như nhiều dự án BOT khác mục tiêu hình thành dự án tuyến tránh này được đưa ra rất thuyết phục: Ngăn chặn sự xuống cấp của mặt đường QL1, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên đoạn tuyến; góp phần từng bước hình thành bộ mặt thị xã Cai Lậy… Tuy nhiên, nếu như những gì nhìn thấy thời gian qua, dường như sự bức xúc đã khiến nơi đây thành điểm tắc nghẽn hỗn loạn.
Nguồn: Tiền Phong