Với tầm nhìn chiến lược sâu rộng, tư duy quân sự nhạy bén, khoa học, ngay khi đất nước ta mới giành được độc lập năm 1945 và tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng và Bác Hồ đã chỉ đạo từng bước xây dựng lực lượng Phòng không — Không quân trở thành lực lượng tác chiến chủ yếu với không quân địch. Theo đó, ngày 1-4-1953, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 — đơn vị tiền thân của Quân chủng Phòng không — Không quân được thành lập. "Sự ra đời của bộ đội pháo cao xạ đánh dấu một bước trưởng thành của quân đội ta trên con đường tiến lên chính quy, hiện đại" [1]. Chỉ gần một năm sau ngày được thành lập, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 lần đầu tiên tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ 1954 đã bắn rơi 52 trong tổng số 62 máy bay các loại của địch, hoàn thành tốt các nhiệm vụ: Bảo vệ giao thông vận chuyển, bảo vệ đội hình bộ đội binh chủng hợp thành và hiệp đồng cùng các lực lượng khống chế đường không, cắt đứt cầu hàng không tiếp vận của địch, góp phần quan trọng làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu".
Sau khi đế quốc Mỹ dựng lên "Sự kiện Vịnh Bắc Bộ" (ngày 5-8-1964), cho không quân leo thang đánh phá miền Bắc, Đảng và Bác Hồ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng không — Không quân rút ngắn thời gian huấn luyện của lực lượng không quân, tên lửa để nhanh chóng đưa hai lực lượng này vào chiến đấu. Thực hiện trọn vẹn lời dạy của Bác "phải mở mặt trận trên không thắng lợi", lực lượng không quân đã ra quân đánh thắng trận đầu ngày 3-4-1965 trên vùng trời Thanh Hóa. Nối tiếp chiến công của bộ đội pháo cao xạ, không quân, bộ đội tên lửa cũng ra quân đánh thắng trận đầu tại vùng trời Hà Tây ngày 24-7-1965.
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân ta đấu tranh giải phóng miền Nam và chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, trên cơ sở phân tích khách quan, khoa học bối cảnh quốc tế, trong nước, quy luật của chiến tranh, nhất là âm mưu thủ đoạn của đế quốc Mỹ, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội… Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua. Nhưng nó sẽ chỉ chịu thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội"[2].
Quán triệt sâu sắc tư tưởng và sự chỉ đạo của Đảng, Bác Hồ, ngay khi B.52 xuất hiện trên chiến trường miền Nam, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không — Không quân đưa lực lượng tên lửa, không quân vào chiến trường Khu 4 để nghiên cứu cách đánh B.52. Từ kinh nghiệm trên chiến trường Khu 4, ta đã biên soạn tài liệu hướng dẫn, xây dựng kế hoạch, phương án đánh B.52 bảo vệ Hà Nội. Mặc dù trong thời gian này, bộ đội Phòng không — Không quân vừa phải thực hiện nhiệm vụ bảo vệ giao thông vận chuyển trên địa bàn Khu 4 và tham gia Chiến dịch Trị — Thiên, nhưng do được quan tâm chỉ đạo xây dựng từ trước nên ta vẫn có lực lượng Phòng không — Không quân cần thiết để bảo vệ miền Bắc, đặc biệt là hai mục tiêu trọng điểm Hà Nội, Hải Phòng.
Vì vậy, khi đế quốc Mỹ tiến hành Chiến dịch Linebacker-II, chúng sử dụng 193 máy bay ném bom chiến lược B.52, 999 máy bay chiến đấu chiến thuật đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc thì quân và dân ta, nòng cốt là bộ đội Phòng không — Không quân đã chủ động, bình tĩnh, tự tin bước vào trận quyết chiến chiến lược với lực lượng không quân Mỹ. Qua 12 ngày đêm chiến đấu, ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 máy bay B.52 (16 chiếc rơi tại chỗ), bắt nhiều giặc lái, đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ, lập nên Chiến thắng "Hà Nội — Điện Biên Phủ trên không", buộc chúng phải ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam.
Như vậy, tầm nhìn chiến lược của Đảng và Bác Hồ trong việc chỉ đạo xây dựng lực lượng Phòng không — Không quân là nhân tố quyết định để quân và dân ta làm nên Chiến thắng "Hà Nội — Điện Biên Phủ trên không" cuối tháng 12-1972. Chiến thắng đó đã đi vào lịch sử Việt Nam như một mốc son chói lọi, một biểu tượng của ý chí, bản lĩnh và trí tuệ của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.
Thượng tướng, TS Phan Văn Giang
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
— ----------------------
[1] Trích Thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 367, ngày 10 tháng 6 năm 1953.
[2] Bộ Quốc phòng — Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, Hồ Chí Minh — Biên niên những sự kiện và tư liệu về quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr.203.
Nguồn: Báo Hà Nội Mới