Việc ông Đinh La Thăng bị khởi tố, bắt tạm giam được xem là một sự kiện cho thấy quyết tâm mạnh mẽ chống tham nhũng của Đảng và nhà nước ta trong thời gian qua.
Bình luận về sự kiện này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo Dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến — nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng:
"Việc khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng và trước đó cho thôi đại biểu Quốc hội, khai trừ khỏi Đảng là quyết tâm chính trị rất lớn của cả hệ thống chính trị. Đó là sự khẳng định mạnh mẽ của Đảng ta trong công tác phòng chống tham nhũng không có vùng cấm, không loại trừ một ai nếu như có dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu tham nhũng".
"Việc xử lý tham nhũng vừa qua, đặc biệt vụ việc ông Đinh La Thăng đã làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân cử tri cả nước, lão thành cách mạng củng cố niềm tin vào việc phòng chống tham nhũng của Đảng.
Lâu nay, nhiều người nghi ngờ phòng chống tham nhũng chỉ đến giới hạn nào đó.
Như việc, "tắm thì chỉ tắm từ vai, từ lưng trở xuống" hay quét cầu thang thì quét từ dưới lên chứ không phải quét từ trên xuống theo quy luật".
Cũng theo ông Tiến, việc khởi tố, bắt tạm giam ông Đinh La Thăng chứng minh cho việc năm 2017 là một năm khởi sắc trong công tác chống tham nhũng.
Năm nay, đã đưa ra xử lý một loạt vụ tham nhũng đối với các lãnh đạo đến mức từ nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Ban chấp hành Trung ương, đến nguyên Bộ trưởng, Thứ trưởng, một số lãnh đạo tập đoàn, tổng công ty…
Điều đó, thể hiện quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và nhà nước ta một cách quyết liệt, không loại trừ ai và không có vùng cấm.
"Đây là điều rất đáng ghi nhận đối với công cuộc phòng chống tham nhũng thời gian vừa qua.
Bình luận thêm về công tác phòng chống tham nhũng, nguyên đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến có ý kiến: "Ngoài việc xử lý nghiêm các cá nhân tham nhũng thì công tác phòng chống tham nhũng phải có các giải pháp đồng bộ đi kèm.
Thứ nhất, quyết tâm phòng chống tham nhũng đối với toàn bộ hệ thống chính trị.
Thứ ba, sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan phòng chống tham nhũng từ trung ương đến địa phương (trung ương có Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng; các tỉnh, thành phố cũng có cơ quan phòng chống tham nhũng, thường trực của các cơ quan này là các cơ quan nội chính, Ban Nội chính của Đảng)".
Bên cạnh đó, theo ông Lê Như Tiến: "Khi phát hiện tham nhũng phải công khai minh bạch, xử lý kịp thời, thu hồi được tài sản tham nhũng mà có.
Nếu không thu hồi tài sản do tham nhũng mà có thì công cuộc phòng chống tham nhũng sẽ trở nên vô nghĩa.
Trong thời gian vừa qua, mới chỉ thu hồi được 8% tài sản do tham nhũng. Điều này rất ít và rất khiêm tốn.
Tài sản do tham nhũng mà có là của nhà nước, của nhân dân, chúng ta không thể bỏ qua, hoặc lơ là".
Nguồn: Giáo Dục Việt Nam