Ngành Y có chức năng cao quý là trị bệnh cứu người. Thế giới dành sự ngưỡng mộ cho nền y học cổ truyền phương Đông, đặc biệt là y học cổ truyền Trung Quốc.
Y học hiện đại Trung Quốc cũng được đánh giá cao khi một số lãnh đạo quốc gia như hoàng gia Campuchia định kỳ sang Trung Quốc khám chữa bệnh.
Thế thì vì sao, trong số 17 phòng khám y học có y nhân Trung Quốc (phòng khám Trung Quốc) hành nghề tại Thành phố Hồ Chí Minh, 100% đều yếu kém?
Từ năm 2016 đến tháng 10/2017, khi Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra các phòng khám Trung Quốc họ chỉ đạt 1,7 điểm theo thang điểm 5!
Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Tấn Bỉnh khắng định:
"Đây là lần đầu tiên trong cả nước có một Sở Y tế thẩm định và đặt ra chỉ tiêu cho các phòng khám, kiểm tra và công khai thông tin như vậy". [1]
Sau những lần kiểm tra, đánh giá, tại Thành phố Hồ Chí Minh 12 phòng khám có người Trung Quốc hành nghề đã đóng cửa, 5 phòng còn lại đã bị thu hẹp phạm vi hoạt động.
Thành phố Hồ Chí Minh làm như vậy còn Hà Nội thì sao?
Ngày 14/7/2012, một bệnh nhân nữ đến phòng khám đa khoa Maria, phố Thái Thịnh — quận Đống Đa Hà Nội khám bệnh.
Kíp trực lúc đó gồm 10 người, trong đó có 3 bác sĩ Trung Quốc trực tiếp điều trị là: Châu Kiện Kiều (Zhou Ji Anjao), Đặng Cẩm Chi (Deng Qin Zhi) và Trương Lệnh Công (Zhang Ling Gong).
Sau khi nhóm bác sĩ Trung Quốc này thực hiện thao tác điều trị, bệnh nhân tử vong và cả ba bác sĩ Trung Quốc liên quan đến việc khám, chữa bệnh cho bệnh nhân đã bỏ trốn về nước. [2]
Năm 2012, ông Nguyễn Khắc Hiền Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng:
"Cơ quan quản lý gặp khó khăn trong giám sát hoạt động của phòng khám tư với việc phát hiện bác sĩ hành nghề không phép.
Bởi tại thời điểm kiểm tra thường không phát hiện vi phạm, khi đoàn đi khỏi thì các "bác sĩ không phép" lại có mặt"? [3]
Dù đã có bệnh nhân tử vong tại phòng khám do bác sĩ Trung Quốc điều trị, dù biết có "bác sĩ Trung Quốc" hành nghề chui nhưng lại kêu "gặp khó khăn trong giám sát", vậy Sở Y tế Hà Nội lúc đó, đặc biệt là ông Giám đốc Nguyễn Khắc Hiền đã làm tròn chức trách người đứng đầu một Sở?
Cho đến nay, ông Nguyễn Khắc Hiền vẫn là Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, vậy xin ông cho biết trên địa bàn mà ông quản lý còn bao nhiêu phòng khám Trung Quốc đang hoạt động và chất lượng ra sao?
Để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, chính quyền Hà Nội có nên công bố cho nhân dân biết về các "phòng khám Trung Quốc" như Thành phố Hồ Chí Minh đã làm?
Nói đến các phòng khám Trung Quốc, báo chí viết:
"Hầu hết phòng khám có "bác sĩ" Trung Quốc đều vi phạm" (Thanhnien.vn 18/07/2012); "Bất lực với phòng khám Trung Quốc? (Tuoitre.vn 12/10/2017);
"Vạch trần "kịch bản" lừa bệnh nhân của các phòng khám Trung Quốc" (Infonet.vn 29/10/2017); "Phòng khám Trung Quốc "vẽ" bệnh, moi tiền bệnh nhân" (sggp.org.vn 5/12/2017);…
Những chuyện "xưa như trái đất" cần phải nhắc lại như hoa quả ngâm tẩm hóa chất bảo quản độc hại, đồ chơi trẻ em, đồ may mặc, sành sứ lẫn các thành phần độc hại nhập khẩu tràn lan từ Trung Quốc làm suy giảm sức khỏe người sử dụng.
Chuyện hơi cũ là doanh nghiệp Formosa xả thải gây hại môi trường biển bốn tỉnh miền Trung.
Chuyện "hơi" mới là Công ty trách nhiệm hữu hạn Khải Thần Việt Nam do ông Lý Thiệu Hưng (quốc tịch Trung Quốc) làm giám đốc là một doanh nghiệp tai tiếng bậc nhất tỉnh Bắc Giang với nhiều thủ đoạn, hành vi "bức tử" môi trường.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh đã ký quyết định xử phạt hành chính 560 triệu đồng, buộc công ty trách nhiệm hữu hạn Khải Thần Việt Nam đình chỉ hoạt động 3 tháng để khắc phục hàng loạt sai phạm.
Tuy nhiên, công ty này không hề chấp hành quyết định của Chủ tịch tỉnh Bắc Giang, vẫn ngang nhiên hoạt động bình thường. [4]
Còn chuyện vừa cũ, vừa mới là các phòng khám Trung Quốc móc túi bệnh nhân, trực tiếp gây hại đến sức khỏe và tính mạng người Việt.
Còn những chuyện gì nữa mà chúng ta chưa nhận thấy?
Người Việt làm sai lại còn chống lệnh Chủ tịch tỉnh bị xử lý hình sự là điều không phải bàn cãi.
Tại sao doanh nghiệp do người mang quốc tịch Trung Quốc điều hành vi phạm pháp luật Việt Nam, bị xử phạt lại dám chống lệnh chủ tịch tỉnh?
Đã như thế vì sao chính quyền Bắc Giang không thể cắt điện, cắt nước để răn đe hành vi chống lại pháp luật Việt Nam của doanh nghiệp nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam?
Liệu có phải doanh nghiệp Khải Thần được hưởng quy chế miễn trừ ngoại giao hay chính quyền tỉnh Bắc Giang bất lực?
Mới đây, Tổ chức Cảnh sát châu Âu (Europol) đưa ra cảnh báo: "Năm 2015, Trung Quốc đại lục và Hong Kong là nơi xuất xứ của 86% hàng giả trên thế giới".
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cho hay "kim ngạch thương mại hàng giả trên toàn cầu đã đạt 500 tỉ USD", riêng Trung Quốc giá trị hàng giả năm 2016 chiếm 12,5% tổng giá trị xuất khẩu, 1,5% GDP quốc gia, cỡ gần 400 tỷ USD. [5]
Xuất khẩu công nghệ lạc hậu, hàng giả, hàng nhái chưa đủ, người ta còn xuất khẩu cả bác sĩ "rởm" đi moi tiền thiên hạ và người Việt — vốn được nhận định là "người bạn thân thiết" — cũng không ngoại lệ!
Thủ tướng Chính phủ khẳng định: "Đã đến lúc buộc phải thay đổi tư duy phát triển, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế, gây ảnh hưởng cuộc sống bình yên của người dân".
Vậy nếu chính quyền Bắc Giang tiếp tục để cho doanh nghiệp Khải Thần hoạt động vô phép thì lãnh đạo tỉnh này đang đánh đổi cái gì lấy cái gì?
Nếu các địa phương cả nước tiếp tục để cho các bác sĩ, nhân viên y tế "rởm" nước ngoài tiếp tục hành nghề thì có làm cho "cuộc sống bình yên của người dân" tốt hơn?
Chúng ta trân trọng những người nước ngoài đến Việt Nam (trong đó có doanh nhân và các đối tượng người Trung Quốc) kinh doanh theo pháp luật Việt Nam, làm giàu bằng những đóng góp thiết thực cho sự phát triển của nước Việt.
Chúng ta không hoan nghênh những đối tác như Coca-Cola Việt Nam "20 năm chưa đóng 1 xu thuế thu nhập doanh nghiệp" như kết luận trên Infonet.vn ngày 7/12/2015;
Những doanh nghiệp bức tử môi trường và đùa giỡn với pháp luật Việt Nam như doanh nghiệp Khải Thần — Bắc Giang hay các phòng khám Trung Quốc mà chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đích danh.
Móc túi dân lành là hành động bất nhân, móc túi người bệnh buộc phải gọi là những kẻ khốn nạn bất kể chúng là người nước ngoài hay những kẻ mang quốc tịch Việt Nam tiếp tay cho chúng.
Đối với những kẻ bất lương người nước ngoài phải xử lý hình sự, sau đó — nói theo ngôn ngữ ngoại giao là phải trục xuất, nói theo ngôn ngữ dân gian là phải tống cổ chúng ra khỏi lãnh thổ.
Không thể để những kẻ bức tử môi trường, khinh nhờn pháp luật Việt Nam, hành nghề với mục đích móc túi người bệnh ung dung đút tiền vào túi rồi đào tẩu về quê hương bản quán.
Sức khỏe người Việt không thể mua bằng tiền, không thể đổi bằng tình (hữu nghị) bởi sức khỏe thế hệ hôm nay ảnh hướng đến giống nòi mai sau, ảnh hướng đến tương lai đất nước.
Hy vọng Bộ Y tế sẽ làm một cuộc tổng rà soát để chấm dứt tình trạng "hầu hết phòng khám có "bác sĩ" Trung Quốc đều vi phạm".
Cũng hy vọng Thủ tướng sẽ có chỉ đạo quyết liệt để những doanh nghiệp như Khải Thần — Bắc Giang phải biết tuân thủ pháp luật Việt Nam, phải biết Việt Nam là đất nước có chủ quyền chứ không phải nơi muốn làm gì thì làm.
Và cũng hy vọng các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ sớm tìm cách trị "ngón nghề chuyển giá" mà không ít doanh nghiệp nước ngoài đang áp dụng để móc túi nước Việt chứ không chỉ móc túi người bệnh.
Tài liệu tham khảo:
[1] https://tuoitre.vn/100-phong-kham-trung-quoc-o-tp-hcm-yeu-kem-20171205113638926.htm
[3]https://thanhnien.vn/thoi-su/hau-het-phong-kham-co-bac-si-trung-quoc-deu-vi-pham-484799.html
[5] https://tuoitre.vn/lam-hang-gia-trung-quoc-kiem-400-ti-usd-moi-nam-1338246.htm
Nguồn: Giáo dục Việt Nam