Ngày 5.9.1950, tòa án binh xét xử nguyên Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu và đồng bọn can tội tham ô, biển thủ công quỹ, phá hoại công cuộc kháng chiến.
Trước đó đoàn thanh tra do Thiếu tướng Trần Tử Bình — Phó Tổng Thanh tra quân đội lãnh đạo, đã làm rõ những thủ đoạn của Châu và đồng bọn khi chúng rút ruột công quỹ, ăn bớt vật tư may quân trang cho bộ đội để tư lợi cũng như những sa đọa, đồi trụy trong sinh hoạt của Châu gây dư luận xấu trong quần chúng.
Tòa đã tuyên án Trần Dụ Châu: Tử hình.
Đây là lần đầu tiên một đại tá, lại là Cục trưởng cục Quân nhu bị tuyên án tử. Vụ việc gây xôn xao cả vùng Việt Bắc.
Trần Dụ Châu đã viết đơn xin ân xá gửi lên Chủ tịch Hồ Chí Minh nhưng bị bác.
Khi đồng chí Trần Đăng Ninh — Chủ nhiệm Tổng cục Cung cấp (hậu cần) hỏi Người về việc này, Người chỉ vào cây xoan đang bị héo úa trước sân và nói với đồng chí Trần Đăng Ninh:
— Chú có biết tại sao cây kia bị héo không?
— Thưa Bác cây đó đang bị sâu ăn ạ!
— Thế muốn cây đó khỏe mạnh trở lại phải làm thế nào?
— Dạ, phải bắt giết hết sâu trong thân cây thì cây mới sống khỏe lại được ạ!
— Đúng là như vậy, cũng giống như cái cây kia, khi bộ máy của chúng ta bị những con sâu đục khoét làm hư hỏng thì ta phải bắt giết hết những con sâu đó thì bộ máy mới vững mạnh được…
Từ những ngày đầu xây dựng Nhà nước pháp quyền của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn chú ý bảo đảm tính nghiêm minh, không miễn trừ ai trong việc thi hành pháp luật.
Tháng 11.1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh trả lời trước Kỳ họp thứ hai Quốc hội khoá I về những thành viên của Chính phủ không trong sạch: "Chính phủ đã hết sức làm gương, và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ. Đã trị, đang trị và sẽ trị cho kỳ hết!".
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Để thực hiện chữ Liêm, cần có tuyên truyền và kiểm soát, giáo dục và pháp luật, từ trên xuống, từ dưới lên.
Trước nhất là cán bộ các cơ quan, các đoàn thể, cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ. Dù to hay nhỏ, có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét, có dịp ăn của đút, có dịp "dĩ công vi tư". Vì vậy, cán bộ phải thực hành chữ Liêm trước để làm kiểu mẫu cho dân"
Tham nhũng là một bệnh khó chữa của các chế độ nhà nước. Nó xuất hiện cùng/và gắn chặt với những người nắm giữ quyền lực, lợi dụng những quyền lực đó để chiếm đoạt của cải xã hội cho riêng bản thân mình. Một nền pháp quyền chân chính, tiến bộ phải bảo đảm được tính công bằng, khách quan, bình đẳng của mọi công dân trước pháp luật. Thi hành được điều này không phải dễ dàng bởi vì từ xưa rồi, tội của quan vẫn được xử theo lễ còn tội của dân được xử theo luật (!).
Trong những năm qua mặc dù chúng ta đã tốn nhiều công sức để đẩy lùi quốc nạn tham nhũng nhưng tệ nạn này chưa có chiều hướng suy giảm.
Những kẻ bất liêm vẫn tồn tại trong xã hội, thậm chí ở tại ngay những cơ quan thi hành pháp luật, những cơ quan được giao trọng trách đấu tranh chống lại quốc nạn tham nhũng, buôn lậu và gian lận; những cơ quan được giao trọng trách duy trì sự nghiêm minh của pháp luật….
Tình trạng này một phần do hệ thống luật pháp của chúng ta chưa đồng bộ, còn nhiều kẽ hở để những kẻ bất liêm lợi dụng, phần khác do việc thi hành luật chưa nghiêm minh, pháp luật chưa đảm bảo tác dụng giáo dục và răn đe.
Vẫn còn tình trạng "pháp luật chỉ dành để thi hành với dân chúng", vẫn còn cảnh "nén bạc đâm toạc tờ giấy" khiến lòng dân ít tin tưởng vào hệ thống pháp chế.
Trong bối cảnh đó, việc thực hiện lời Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Pháp luật phải thẳng tay trừng trị những kẻ bất liêm, bất kỳ kẻ đó giữ địa vị nào, làm nghề gì" đang đặt ra trước các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp như một yêu cầu bức xúc của xã hội.
Đảng đang đẩy mạnh công cuộc chống tham nhũng theo đúng hướng đó khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố: "Cuộc đấu tranh chống tham nhũng không có vùng cấm".
Những diễn biến mới nhất của các vụ án tham ô, tham nhũng, thất thoát lớn đã và đang chứng minh điều này. Những đại án tham nhũng đang được đưa ra ánh sáng với những cán bộ đã từng có thời "làm mưa làm gió" nay ra hầu tòa, đã cho thấy pháp luật đã dần đi đúng "đường nó phải đi": Nghiêm minh và công bằng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy chúng ta điều đó từ câu chuyện vụ án lớn Trần Dụ Châu cách đây gần 70 năm và việc Người bác đơn xin ân xá của y.
Còn vụ ông Đinh La Thăng, liệu án tử có treo trên đầu những kẻ ngồi trên nỗi đau của nhân dân?
Nguồn: danviet.vn