Bỡ ngỡ là bởi vì một số kết luận về công tác cán bộ ở Thanh Hóa, Quảng Nam mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố phủ nhận một số kết luận trước đó của Tỉnh ủy Thanh Hóa và của lãnh đạo Bộ Nội vụ.
Thứ nhất: Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc qua một số vụ việc mà các cơ quan này đã thực hiện liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ trong toàn tỉnh.
Theo nguyên tắc tổ chức Đảng, cả ba cơ quan trên đều chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Bí thư Tỉnh ủy.
Được biết, ngày 29/9/2017, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có thông báo 116-TB/UBKTTU về "Kết quả kiểm tra, xem xét xử lý kỷ luật đảng đối với tổ chức đảng và đảng viên có liên quan tại Sở Xây dựng Thanh Hóa trong vụ Trần Vũ Quỳnh Anh".
Các phương tiện truyền thông đều đã đăng tải rộng rãi ý kiến của Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến sau khi Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa công bố kết luận:
"Việc này cần thực hiện công khai để đảng viên trong Đảng bộ hiểu rõ bản chất vụ việc, đâu là việc đúng, sai, để thể hiện tính minh bạch trong xử lý vi phạm".
Rõ ràng ông Bí thư Thanh Hóa đã không làm tròn trách nhiệm đảng viên của mình, có biểu hiện "tự chuyển hóa" những vụ việc tiêu cực từ "rất nghiêm trọng" trở nên bình thường với hình thức kỷ luật "khiển trách".
Nếu sự việc đã như thế thì trách nhiệm của người đứng đầu Đảng bộ Thanh Hóa — ông Trịnh Văn Chiến đến đâu?
Phải chăng các ông Ngô Văn Tuấn, Đào Vũ Việt là hai cá nhân duy nhất phải chịu trách nhiệm hay các ông đang phải gánh chịu nghịch cảnh mà dân gian gọi là "kẻ ăn ốc, người đổ vỏ"?
Người viết cho rằng kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương hình như vẫn còn thiếu cái gì đó.
Để có thể đưa ra hình thức kỷ luật nghiêm khắc với ông Tuấn, cần phải nêu rõ động cơ của sự "không trong sáng" của ông Ngô Văn Tuấn với Trần Vũ Quỳnh Anh là gì?
Một khi đã "không trong sáng" thì tất là có vụ lợi, vậy ông Tuấn "vụ lợi" cái gì từ người phụ nữ mang tên Quỳnh Anh hay ông "vụ lợi" từ người khác thông qua người phụ nữ này?
Cũng nên biết rằng mọi xì xào về nhân vật Trần Vũ Quỳnh Anh đều hướng dư luận tới một ai đó tại tỉnh Thanh Hóa và phát biểu của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) tại nghị trường đã định hướng khá chính xác "ai đó" là ai:
"Một bộ phận không nhỏ cán bộ, lãnh đạo ở các địa phương biểu hiện chỉ quan tâm đến phái nữ vì muốn có thêm vợ bé hay bồ nhí để quản lý khối tài sản khổng lồ do tham nhũng mà có". [1]
Không làm cho ra nhẽ chuyện này, liệu có phải cơ quan chức năng "làm chưa đến nơi đến chốn" hay vì còn cần thời gian để nhờ cảnh sát quốc tế tìm xem đối tượng được "nâng đỡ không trong sáng" bây giờ đang định cư ở đâu?
Thiết nghĩ ông Bí thư Thanh Hóa đã rất hoan hỉ khẳng định địa phương mình "minh bạch" sau khi Ủy ban Kiểm tra Tỉnh này công bố kết quả kỷ luật cán bộ thì cũng nên nhanh chóng khẳng định sai phạm mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố hoàn toàn do cá nhân các ông Ngô Văn Tuấn, Đào Vũ Việt gây ra đồng thời cũng không nên đợi Trung ương mà tỉnh sẽ kỷ luật thật nặng hai ông ấy để làm gương cho cấp dưới.
Nói đến Thanh Hóa, là nói đến một tỉnh có nhiều chuyện lạ, chẳng hạn hàng cứu trợ bão lụt vào nhà bí thư thôn ở xã Thiệu Dương, Thành phố Thanh Hóa;
Chuyện dê cấp cho hộ nghèo "lạc" vào nhà Bí thư huyện ở Thạch Thành;
Số liệu quyết toán ngân sách năm 2013 cho biết tỉnh Thanh Hóa đứng đầu cả nước về hỗ trợ ngân sách từ Trung ương với số tiền lên đến 14.427 tỷ đồng.
Năm 2016 Thanh Hóa vẫn là tỉnh nhận điều tiết nhiều nhất từ ngân sách trung ương — 6.500 tỷ đồng. [2]
Những sự kiện nêu trên diễn ra từ xã phường lên đến tỉnh, từ thành phố đến huyện miền núi.
Vậy nên không thể không nêu câu hỏi về trách nhiệm lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và năng lực của những người đứng đầu các cơ quan, ban, ngành tỉnh này.
Mong muốn của dân chúng là đi đến cùng sự việc, vậy có nên tạm dừng ở cấp Phó Chủ tịch tỉnh?
Muốn giúp Thanh Hóa, có nên làm một cuộc đại phẫu?
Chuyện Thanh Hóa có lẽ chưa kết thúc, còn chuyện Quảng Nam dù đã rất rõ ràng song có lẽ vẫn cần phải chờ thêm mới có thể kết luận.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định tiến hành quy trình xử lý kỷ luật các ông Lê Phước Thanh (nguyên Bí thư Tỉnh ủy), Đinh Văn Thu (Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh), Huỳnh Khánh Toàn (Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Chủ tịch Thường trực Uỷ ban nhân dân tỉnh) bởi khuyết điểm của những vị lãnh đạo xứ Quảng này là nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng.
Riêng vị Giám đốc sở Lê Phước Hoài Bảo — con trai ông Lê Phước Thanh — Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu tổ chức đảng và cơ quan có thẩm quyền "làm thủ tục xóa tên trong danh sách đảng viên, hủy bỏ các quyết định về công tác cán bộ không đúng đối với đồng chí Lê Phước Hoài Bảo". [3]
Không biết "xóa tên trong danh sách đảng viên" có phải là hình thức kỳ luật cao nhất trong bốn mức kỷ luật ghi trong điều lệ Đảng hay là hình thức kỷ luật mới, liệu có mức độ nặng nhẹ khác nhau giữa hình thức "khai trừ khỏi đảng" và "xóa tên trong danh sách đảng viên"?
Nếu không có gì khác nhau thì có nên dùng từ ngữ đã được chuẩn hóa trong Điều lệ Đảng, không cần sáng tạo thêm từ ngữ mới?
Không một người Việt nào lại có ác cảm với những cán bộ "tuổi trẻ, tài cao", trong đó có những người xuất thân từ những gia đình có truyền thống yêu nước.
Khi ông Lê Phước Thanh khẳng định con trai mình hoàn toàn có đủ tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực làm Giám đốc sở, chắc ông không ngờ rằng sẽ có lúc con ông — nói theo ngôn ngữ dân gian — bị đề nghị khai trừ khỏi đảng, bị kiến nghị đuổi khỏi cơ quan đang làm việc.
Thế nên khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận "Những vi phạm, khuyết điểm của đồng chí Lê Phước Thanh là rất nghiêm trọng" và con trai ông — Lê Phước Hoài Bảo — "Ý thức tổ chức kỷ luật kém; vi phạm nguyên tắc tổ chức sinh hoạt của Đảng…" thì người dân có thể tin rằng với quyết tâm của Tổng Bí thư, với hiệu quả làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bên cạnh các loại "củi khô, củi vừa vừa, củi tươi, củi ướt, củi to" hai loại "củi" khác là "củi mục và củi con" nhất định cũng sẽ được bổ sung vào "Danh mục củi".
Cũng nên nói thêm về một loại "củi" nữa, ấy là "củi cành", khi vụ án Châu Thị Thu Nga ngã ngũ, khi câu chuyện dùng mấy chục tỷ đồng để chạy "đại biểu quốc hội" được làm sáng tỏ, liệu những "củi cành" liên đới trong các cuộc "hiệp thương" có được nhận diện.
Bằng chứng là chỉ mới non nửa nhiệm kỳ, 5 đại biểu Quốc hội đã bị miễn nhiệm, con số lớn nhất từ trước đến nay.
Chỉ còn ít ngày nữa là kết thúc năm 2017, nếu chỉ chiếc "lò" ở Trung ương nóng lên, tại các địa phương chưa nhóm lửa thì liệu người dân có thấy mùa đông giá rét bị đẩy lùi?
Và quan trọng hơn, nếu chỉ Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào cuộc thì đến bao giờ cuộc chiến chống nội xâm mới giành thắng lợi khi cơ quan này chỉ có vài chục nhân sự nhưng cả nước có hơn 4,5 triệu đảng viên?
Phải chăng lời cảnh tỉnh của Tổng Bí thư vẫn chưa làm các đồng chí "trót để tay nhúng chàm" tỉnh ngộ?
Phải chăng bộ phận không nhỏ ấy vẫn nuôi hy vọng "trừ mình ra"?
Tài liệu tham khảo:
[2] https://tuoitre.vn/hang-chuc-tinh-thanh-nhan-ho-tro-ngan-sach-tu-hang-ngan-ti-1194865.htm
[3]https://baotintuc.vn/thoi-su/ky-hop-20-uy-ban-kiem-tra-trung-uong-ket-luan-sai-pham-cua-nhieu-lanh-dao-dia-phuong-20171216153643255.htm
Nguồn: Báo Giáo Dục VN