Sputnik: Quyết định của Vladimir Putin rút quân Nga khỏi Syria trở nên bất ngờ đối với ông?
Vâng, tôi đã lấy làm ngạc nhiên phần nào. Tuy nhiên, quyết định đó có thể trở thành một mô hình mới trong hoạt động của các quốc gia hàng đầu để phản ứng trước những tình huống khủng hoảng: sau khi một số nhiệm vụ nhất định được thực hiện, quân đội của quốc gia này phải rút khỏi đó để các chính trị gia và các tướng lĩnh địa phương tự giải quyết các vấn đề của đất nước mình. Bất kỳ sự rút quân nào đều có nghĩa là đã vượt qua giai đoạn đỉnh điểm của khủng hoảng, trong trường hợp này — IS bị đánh bại. Bất cứ ai ủng hộ hoà bình ở Syria và chủ trương giải quyết các vấn đề bằng các biện pháp hòa bình phải ủng hộ quyết định của Matxcơva.
Sputnik: Hoa Kỳ muốn để quân đội của họ ở lại Syria. Ông nghĩ gì về điều này?
Chắc là chính quyền Syria không phấn khởi với ý định này của Mỹ, đặc biệt là có đủ bằng chứng cho thấy rằng Washington đã hỗ trợ cho các thế lực chiến đấu chống Assad. Vấn đề là ở chỗ, khi hiện diện ở nước ngoài, Mỹ không bao giờ thụ động ngồi yên, họ luôn luôn thực hiện những hành động, và hành động của họ ở Syria cũng không thể đoán trước. Tất nhiên, chính quyền Syria lo ngại về vấn đề này, nhưng, tôi không ngạc nhiên với hành vi của Hoa Kỳ: họ muốn duy trì sự hiện diện trong khu vực bất ổn này, bởi vì ở đó còn có rất nhiều vấn đề có thể lại trở nên nóng bỏng.
Sputnik: Gần đây Tổng thống Nga Vladimir Putin đã viếng thăm Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này quan trọng như thế nào về mặt địa chính trị?
Điều này là rất quan trọng. Ai Cập là một trong những trung tâm quan trọng nhất của thế giới Hồi giáo. Đây là một hiện tượng mới rất thú vị: trong vài tháng qua, ông Putin đã liên lạc với đại diện của bốn trung tâm quan trọng trong khu vực — Ai Cập, Ả-rập Xê-út, Irac và Thổ Nhĩ Kỳ. Khi tôi làm việc tại Matxcơva (tùy viên quân sự), tôi đã thấy rõ người Nga luôn cư xử đúng mực với các đại diện của thế giới Hồi giáo. Tôi có thể nói rằng, những kinh nghiệm tích lũy được trong mối quan hệ với các khu vực Hồi giáo trên lãnh thổ LB Nga, chẳng hạn như Ingushetia, Dagestan, Chechnya, hiện đang được sử dụng trên địa bàn rộng lớn hơn. Về mặt chính trị, đây là một bằng chứng về việc Nga đang tăng cường ảnh hưởng của mình ở Trung Đông và trên toàn cầu.
Sputnik: Ông có thể nói gì về tình hình xung quanh Jerusalem? Donald Trump đã tạo ra nguy cơ mới gây bất ổn — hoặc ông chỉ đổ thêm dầu vào lửa cho xung đột cũ?
Cuộc khủng hoảng trong mối quan hệ giữa người Palestine và người Do Thái đã và đang diễn hơn 60 năm rồi, lúc dịu đi lúc lại nổi lên. Tôi hy vọng rằng, bất chấp những tuyên bố đã vang lên trong những ngày gần đây, người Palestine và người Israel sẽ nhận thức được rằng, giải pháp có thể được tìm thấy chỉ ở bàn đàm phán. Cuộc chiến tranh mới không phục vụ lợi ích của bất cứ ai. Ở đây nảy ra câu hỏi: liệu người Israel đã nhận thức được rằng, hiện nay khi đất nước của họ đã nhận được sự hỗ trợ to lớn của Mỹ, Israel có thể đề xuất sáng kiến hòa bình nhằm giải quyết các tranh chấp với người Palestine? Có một lần, trong cuộc trò chuyện với đại diện Israel, tôi đã nhận xét rằng, chúng tôi rất muốn giải quyết vấn đề Kosovo. Người đối thoại với tôi trả lời, đây không phải là một ý tưởng tốt, bởi vì phải đợi cho đến khi sức mạnh của Serbia đạt đến đỉnh cao, sau đó mới có thể giải quyết vấn đề. Đây là triết lý của Israel trong quan hệ với Palestine — họ chờ đợi thời điểm thích hợp trong quan hệ quốc tế để sử dụng nó vì lợi ích riêng của họ. Nhìn từ quan điểm phục vụ lợi ích quốc gia, đây là một triết lý tốt. Vấn đề duy nhất là đánh giá đúng thực tế tình hình quan hệ quốc tế.