Ý nghĩa lịch sử và thời đại chiến thắng "Hà Nội- Điện Biên phủ trên không"
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao, ghi nhận và nhiệt liệt biểu dương những thành tích tự hào của các thế hệ tướng lĩnh, cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ trong toàn lực lượng Phòng không — Không quân đã đạt được trong những năm qua.
Thủ tướng khẳng định, quá trình xây dựng, trưởng thành của lực lượng Phòng không — Không quân luôn gắn liền với quá trình chiến đấu và chiến thắng của quân và dân ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu, hơn nửa thế kỷ qua, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng Phòng không — Không quân đã lập nhiều chiến công xuất sắc. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Quân chủng là lực lượng nòng cốt trên mặt trận đối không, góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đánh thắng hai cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân của đế quốc Mỹ.
Đặc biệt, trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972, cùng quân dân Thủ đô Hà Nội, bộ đội Phòng không — Không quân phát huy cao độ vai trò nòng cốt trong cuộc đối đầu thử thách chưa từng có trong lịch sử, đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không lớn nhất của Mỹ, chủ yếu bằng máy bay B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng và các tỉnh lân cận; cùng với quân và dân miền Bắc bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó, có 34 máy bay chiến lược B-52, làm nên chiến thắng vĩ đại "Hà Nội — Điện Biên Phủ trên không", góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ đi đến thắng lợi cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, sau 45 năm nhìn lại, chúng ta càng tự hào về ý nghĩa lịch sử và thời đại của Chiến thắng "Hà Nội — Điện Biên Phủ trên không". Đó là chiến thắng của đường lối chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện của Đảng ta; chiến thắng của sức mạnh chính trị, tinh thần, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc ta, là ý chí quyết đánh, dám đánh và quyết tâm đánh thắng kẻ thù xâm lược bằng tất cả sự mưu trí, lòng dũng cảm, tinh thần chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, gian khổ. Đó là sự kế thừa, phát huy truyền thống và nghệ thuật quân sự Việt Nam mưu trí, sáng tạo, lất ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn.
Phát huy truyền thống "Hà Nội — Điện Biên Phủ trên không", trước yêu cầu mới ngày càng cao trong nhiệm vụ bảo vệ bầu trời, biển đảo của Tổ quốc, Quân chủng Phòng không — Không quân đã hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo đảm sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm an toàn bay, tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai….
Bảo vệ vững chắc chủ quyền bầu trời
Trước yêu cầu của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, bảo vệ chủ quyền bầu trời, biển đảo nói riêng đang đặt ra những nhiệm vụ rất nặng nề cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó, có trọng trách của lực lương Phòng không — Không quân. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Quân chủng cần đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng lực lượng Phòng không — Không quân phát huy cao nhất vai trò, vị trí trong thực hiện nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, phát huy khí thế hào hùng của "Hà Nội — Điện Biên Phủ trên không" của 45 năm trước. Cụ thể: Quân chủng là lực lượng được ưu tiên đầu tư tiến thẳng lên hiện đại theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng. Để làm đươc điều đó, phải chú trọng xây dựng lực lượng mạnh cả về con người và vũ khí, trang bị, trong đó, lấy xây dựng con người là trung tâm, nhân tố quyết định thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Lấy xây dựng chính trị làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, bảo đảm toàn Quân chủng là một khối thống nhất về ý chí và hành động, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và Nhân dân, với chế độ xã hội chủ nghĩa.
Tiếp tục nghiên cứu tổng kết, rút ra những bài học kinh nghiệm từ thực tiễn của các cuộc kháng chiến chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và những cuộc chiến tranh trên thế giới gần đây, nhất là các chiến dịch phòng không lớn để vận dụng trong điều kiện mới. Tăng cường nghiên cứu lý luận quân sự, nghệ thuật tác chiến phòng không hiện đại; coi trọng đào tạo và huấn luyện chiến đấu là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của tất cả các cấp; công tác huấn luyện phải sát với yêu cầu, nhiệm vụ, thực tế chiến đấu hiện nay; tích cực nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ, quân sự trong lĩnh vực phòng không — không quân, trong đó chú ý nghiên cứu phòng không chống chiến tranh bằng đường không, bằng vũ khí công nghệ cao của địch; có kế hoạch chủ động ứng dụng của lực lượng phòng không — không quân trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Nguồn: Infonet