Báo chí địa phương không nói về điều đó, thay cho cụm từ "cải cách kinh tế" họ viết về việc "cải thiện hệ thống quản lý nền kinh tế". Tuy nhiên, ngay cả những tài liệu chính thức cho thấy rõ rằng, tình hình ở Bắc Triều Tiên đang thay đổi nhanh chóng.
Kể từ năm 2015, Bắc Triều Tiên bắt đầu sử dụng nguyên tắc này trong những lĩnh vực khác của nền kinh tế. "Luật Doanh nghiệp Nhà nước" mới và các tài liệu hướng dẫn cho nó không còn đề cập đến kế hoạch hóa tập trung, và "kế hoạch" trên thực tế có nghĩa là thuế thu nhập tự nhiên tương đương với một phần ba năng lực sản xuất của cơ sở. Bây giờ tất cả các doanh nghiệp tự lập kế hoạch phát triển và chỉ thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền về chương trình của mình. Các sản phẩm được sản xuất trong khuôn khổ "kế hoạch" được bán cho nhà nước với giá rất rẻ, phần còn lại có thể được bán tự do trên thị trường. Với khoản tiền thu được (thường là đồng đô la hoặc nhân dân tệ) doanh nghiệp có thể mua nguyên liệu, phát triển cơ sở sản xuất và trả lương cho nhân viên.
Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt mới hạn chế đáng kể hoạt động ngoại thương của Bắc Triều Tiên và có thể làm suy yếu xu thế tăng trưởng. Theo các chuyên gia Hàn Quốc, do lệnh cấm nhập khẩu các tài nguyên khoáng sản của Bắc Triều Tiên, GDP của nước này có thể giảm 2,5%, mà đây là mức giảm lớn nhất kể từ năm 1998. Theo cơ quan tình báo Hàn Quốc, trong năm 2018 nền kinh tế CHDCND Triều Tiên có thể giảm thêm 5%, xóa bỏ hoàn toàn thành tựu phát triển trong những năm gần đây.
Những tính toán này xuất phát từ quan điểm rằng, CHDCND Triều Tiên có thể phát triển chỉ nhờ sự hỗ trợ từ bên ngoài: nhờ các đợt cung cấp dầu hoặc các đợt cung cấp thiết bị và hàng hóa nước ngoài đổi lấy việc xuất khẩu khoáng sản, hải sản và hàng dệt may. Tuy nhiên, không ai biết chính xác mức độ phụ thuộc của Bắc Triều Tiên vào quan hệ thương mại với nước ngoài, theo một số ước tính, chỉ số này là ít hơn 20%. Ngoài ra, Bắc Triều Tiên đang bị trừng phạt trong nhiều năm nay và biết cách lợi dụng một số sơ hở trong lệnh trừng phạt.
Gần đây đã xuất hiện những thông tin mâu thuẫn từ Bắc Triều Tiên: một mặt có tin về việc tăng giá hàng hóa tiêu dùng, mặt khác trong năm 2017 Bắc Triều Tiên gia tăng khối lượng nhập khẩu những "món ngon" như sô cô la và bia. Thêm vào đó, vào tháng 11 năm nay giá ngũ cốc trên thị trường Bắc Triều Tiên là thấp hơn so với năm trước, điều đó cho thấy rằng, vụ mùa năm nay có kết quả tốt. Hiện nay CHDCND Triều Tiên không bị đe dọa bởi nạn đói khủng khiếp như đã từng xảy ra vào những năm 1990.
Mặc dù nền kinh tế hồi phục đáng kể trong những năm gần đây, Bắc Triều Tiên vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Tuy nhiên, đây là một lợi thế của họ, bởi vì bắc Triều Tiên có những cơ hội lớn cho sự tăng trưởng. Thực tế đã cho thấy rằng, nhờ những thay đổi đơn giản trong quản lý, CHDCND Triều Tiên có thể đạt được những kết quả khá tốt. Liệu họ sẽ tiếp tục phát triển với tốc độ như vậy, không ai biết. Nhưng, xét theo mọi việc, Bình Nhưỡng có đủ dự trữ nội bộ để tiếp tục phát triển trong một thời gian dài.