Bão cường độ lớn nhất tấn công Nam Bộ
Đánh giá về cơn bão số 16, sáng 24/12, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai nhận định, đây là cơn bão cuối mùa, di chuyển nhanh, phạm vi ảnh hưởng rộng, cường độ ngày càng mạnh lên và có thể tương đương bão Linda năm 1997 và cơn bão Durian năm 2006, với rủi ro thiên tai cấp 4 (cường độ lớn nhất xảy ra trong khu vực).
Cụ thể, 4h00 ngày 24/12, vị trí bão Tembin ở vào khoảng 8,2 độ Vĩ Bắc; 115,4 độ Kinh Đông, cách đào Trường Sa Lớn (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 340km về phía Đông với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, giật cấp 14 đang hướng vào biển Đông theo hướng Tây.
Dự báo trong thời gian tới, bão di chuyển nhanh (20-25km/h), tiếp tục mạnh lên cấp 12, giật cấp 15. Khoảng rạng sáng ngày 26/12/2017, bão đổ bộ trực tiếp vào khu vực từ Bà Rịa — Vũng Tàu đến Cà Mau, vào thời kỳ triều cao.
Bão đi qua khu vực ngư trường truyền thống, đang chính mùa khai thác, tàu thuyền đánh bắt hải sản rất đông, đồng thời rất nhiều tàu vận tải, tàu vãng lai; vùng biển có nhiều đảo nơi có nhiều tàu thuyền trú tránh khi bão xảy ra; nơi có nhiều hoạt động trên biển nhất là các giàn khoan, nhà giàn.
Trên đất liền, khu vực dự báo bão đổ bộ ít khi có bão lớn; cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu và kinh nghiệm ứng phó của người dân còn hạn chế, một số nơi có tư tưởng chủ quan; dân cư vùng cửa sông, ven biển đông đúc, hoạt động kinh tế lớn, dễ bị tổn thương, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản, du lịch.
Thông tin sáng 24/12, các địa phương đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 60.413 phương tiện/307.742 lao động về diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh; tổ chức hướng dẫn cho các phương tiện neo đậu trú tránh. Đến 16h00 ngày 23/12/2017, tất cả các tỉnh, thành phố ven biển khu vực có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão số 16 (từ Khánh Hòa đến Kiên Giang) đã ban hành lệnh cấm biển.
Về công tác sơ tán dân, các tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, TP.HCM, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang đang rà soát và đã lên phương án di dời, sơ tán đến nơi an toàn đối với trường hợp bão cấp 9 là 271.151 người, trên cấp 9 là 472.765 người. Trong đó, tỉnh Bà Rịa — Vũng Tàu sơ tán 165.074 người; TP. Hồ Chí Minh sơ tán 7 xã huyện Cần Giờ với 4.926 người; Cà Mau sơ tán 46.240 người…
Bến Tre dự kiến cho học sinh nghỉ học từ ngày 25./2 đến 26/12/2017; Tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo Sở GD&ĐT có kế hoạch cho học sinh nghỉ học trước 24 giờ so với thời điểm dự báo bão ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh. Các tỉnh khác đang rà soát tùy tình hình diễn biến bão sẽ có kế hoạch cho học sinh nghỉ học sau.
Côn Đảo sẵn sàng chống bão
Tại Côn Đảo, UBND huyện đã giao Đồn Biên phòng Côn Đảo phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tàu thuyền tại các khu neo đậu; tuyệt đối không để người dân ở lại tàu, thuyền, chòi canh, lồng bè nuôi trồng thủy hải sản, nỗ lực bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người và giảm thiểu mức thiệt hại về tài sản.
Đồn Biên phòng Côn Đảo, Đội bảo vệ nguồn lợi thủy sản,… kiểm đếm phương tiện đang neo đậu và hoạt động trong vùng biển Côn Đảo; hướng dẫn chủ các phương tiện tìm nơi trú ẩn, phòng tránh kịp thời và xử lý các sự cố xảy ra trên biển; vận động ngư dân lên đảo để tránh bão… Số dân cư trên đảo nằm trong vùng xung yếu cần di dời đến nơi an toàn nếu bão đổ bộ là 500 người.
Tại TP. Vũng Tàu, qua rà soát, có 16.500 hộ dân cần phải di dời, 9.452 cần di dời từ nhà không kiên cố sang nhà kiên cố; 5.292 hộ di dời đến các điểm tập trung công cộng, nếu bão đổ bộ Bà Rịa — Vũng Tàu.
Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa — Vũng Tàu yêu cầu các khu du lịch, khách sạn cần xây dựng kịch bản di dời khách du lịch kịp thời. Các cơ sở giáo dục không đón học sinh vào sáng thứ Hai (25-12).
Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch Bà Rịa — Vũng Tàu cho biết, trước diễn biến phức tạp của cơn bão Tembin, các doanh nghiệp du lịch phải sẵn sàng ứng phó, kiên quyết không cho du khách tham gia các hoạt động trên bãi biển khi bão đổ bộ. Các đơn vị cần duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.
Kiên quyết sơ tán người dân khỏi khu vực nguy hiểm
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan liên quan chủ động đối phó với bão số 16.
Theo đó, rút kinh nghiệm, tránh tư tưởng chủ quan và để giảm thiệt hại như đã xảy ra với bão số 12 vừa qua và bão Linda năm 1997, để chủ động ứng phó, hạn chế thiệt hại về người và tài sản, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Công an, NN&PTNT, Công Thương, Xây dựng:
— Thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, diễn biến của bão, tiếp tục kiểm đếm tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển; không để tàu thuyền ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để hướng dẫn di chuyển hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra.
— Rà soát các phương án đảm bảo an toàn cho người trên đảo, nhà giàn, giàn khoan dầu khí, các hoạt động khai thác trên biển, ven biển, trên cù lao đang có nguy cơ sạt lở mạnh, vùng thấp trũng do ảnh hưởng của triều cường. Kiên quyết sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm không đảm bảo an toàn; trong đó đặc biệt đối với huyện đảo, xã đảo như Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu)…
— Tổng rà soát các phương án, kịch bản ứng phó. Đặc biệt cần tăng cường trang thiết bị, nguồn lực để kịp thời chỉ đạo điều hành được thông suốt trong các tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Hoãn các cuộc họp không cần thiết để tập trung ứng phó hiệu quả với bão.
Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ lên kế hoạch cụ thể phối hợp với chính quyền địa phương tổng rà soát các phương án cụ thể để chủ động xử lý trong các tình huống trước, trong và sau bão; duy trì lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra…
Nguồn: ANTĐ