Ông Ngô Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa với hàng loạt các vi phạm rất nghiêm trọng trong công tác tổ chức cán bộ, đặc biệt là việc "nâng đỡ không trong sáng" đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh, vừa bị Ban Bí thư xử lý kỷ luật cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.
Điều này đồng nghĩa với việc, trong thời gian tới đây ông Tuấn sẽ bị xử lý về mặt chính quyền.
Liệu ông Ngô Văn Tuấn với những vi phạm rất nghiêm trọng đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, có còn đủ tiêu chuẩn, tư cách đảm nhiệm cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa?
Nhận định về khả năng tại vị của ông Ngô Văn Tuấn, hôm 25/12, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Thiếu tướng Lê Văn Cương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cho rằng, ông Tuấn không còn đủ tư cách, uy tín để đảm nhiệm cương vị nói trên.
Tướng cương nêu 3 lý do để khẳng định quan điểm của mình:
"Thứ nhất, không ai để một Phó Chủ tịch tỉnh mà ông ấy không phải/còn là Tỉnh ủy viên.
Trong gian đoạn 2011 — 2016 và sau Đại hội 12 của Đảng, trong 63 tỉnh, thành phố không có một đồng chí Phó Chủ tịch tỉnh/thành phố nào mà không có Tỉnh ủy viên cả.
Mặc dù không có văn bản nào quy định Phó Chủ tịch phải có Tỉnh ủy viên nhưng thông lệ này đã mang tính phổ biến.
Thứ 2, khi một đồng chí Tỉnh ủy viên có vi phạm rất nghiêm trọng, bị cách chức toàn bộ chức vụ trong Đảng thì ông ấy không còn uy tín để làm việc nữa.
Uy tín cán bộ thể hiện trong quá trình anh thực thi công vụ.
Hay nói cách khác, trước những vi phạm của bản thân, người dân không còn tin tưởng vào những việc ông ấy làm trên cương vị Phó Chủ tịch tỉnh nữa.
Nếu ông ấy còn tại vị thì làm việc với ai?
Và khi người dân không còn tin tưởng cán bộ này thì họ sẽ tiếp tục kiến nghị Nhà nước xử lý kỷ luật, đưa ông ấy rời khỏi chức vụ đương nhiệm.
Bản thân ông Tuấn cũng không còn xứng đáng ở cương vị đó nữa, sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Thứ 3, nếu không xử lý ông Tuấn và vẫn để ông ấy làm Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa thì uy tín của Nhà nước sẽ phần nào bị giảm sút. Người dân sẽ giảm lòng tin với Chính phủ.
Tất nhiên việc kỷ luật về mặt chính quyền đối với ông Ngô Văn Tuấn thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Tôi cho rằng, Thanh Hóa với dân số đông thứ 3 cả nước, sẽ có nhiều người đủ tầm để có thể thay thế vị trí ông Tuấn", Tướng Lê Văn Cương cho biết.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Công an) cũng cho rằng, trong vụ việc nói trên, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thanh Hóa đã không làm hết vai trò của mình:
"Không thể nói Ủy ban Kiểm tra tỉnh Thanh Hóa yếu về chuyên môn được. Vụ việc có dấu hiệu lợi ích nhóm, bao che", Tướng Cương nói và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét trách nhiệm của người đứng đầu Tỉnh ủy Thanh Hóa trong vụ việc nói trên.
Tướng Cương cũng bày tỏ quan điểm ủng hội Đảng, Nhà nước trong việc xử lý nghiêm khắc, triệt để vi phạm của cán bộ trước những vi phạm trong quản lý, chỉ đạo, điều hành.
"Những vi phạm của cán bộ cấp cao được đưa ra xử lý thời gian vừa qua cho thấy quyết tâm chống tham nhũng, làm trong sạch bộ máy quản lý của Đảng, Nhà nước.
Việc xử lý cán bộ vi phạm một cách nghiêm khắc sẽ củng cố niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng", Tướng Cương cho biết.
Nguồn: giaoduc