Đại diện Viện KSND đã đề nghị mức án cho 16 bị cáo, cụ thể: bị cáo Đặng Hoàng Thiện mức án từ 16 đến 18 năm tù, Nguyễn Đức Sinh từ 14 đến 16 năm tù, Ngô Thụy Tường Vy từ 12 đến 14 năm tù, Thái Hàn Phong từ 13 đến 15 năm tù, Nguyễn Ngọc Tiền từ 12 đến 14 năm tù về tội" khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân".
Các bị cáo khác bị đề nghị từ 5 đến 9 năm tù cùng về tội "khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân". Ngoài ra, các bị cáo còn bị đề nghị áp dụng biện pháp quản chế tại địa phương từ 2 năm đến 5 năm sau khi chấp hành xong bản án, liên đới bồi thường cho Công an TP.Biên Hòa số tiền gần 1,3 tỉ đồng.
Riêng bị cáo Lê Thị Thu Phương, đại diện Viện KSND đề nghị mức án từ 1 — 2 năm tù, nhưng cho hưởng án treo về tội "không tố giác tội phạm".
Nhiều bị cáo phản cung tại tòa
Bị cáo Vy cho rằng do bức xúc cá nhân, tâm trạng không tốt nên khi được Lisa Phạm dẫn dụ tham gia đặt bom xăng sân bay thì nhận lời chứ hoàn toàn không ý thức về mức độ nghiêm trọng của hành vi, hoàn toàn không có ý thức chống chính quyền ngay từ đầu và cũng không nhận tiền bạc, lợi ích nào từ Phạm Lisa.
Bị cáo Trương Tấn Phát thì khai nhận do bị cáo không biết là bom xăng, tưởng chỉ là bom khói nên nhận lời thực hiện. Tuy nhiên, khi biết là bom xăng thì Phát đã tháo pin của điều khiển từ xa, dẫn đến quả bom này không kích nổ. Đối với quả bom thứ hai, Vy khai khi Thiện yêu cầu đặt ở cột số 9 ga quốc tế, Vy cũng nghĩ là Phát đã tháo pin điều khiển từ xa nên bom sẽ không nổ, nhưng không ngờ sau khi kích bổ thì quả bom lại phát nổ.
Đối với vụ đốt kho giữ xe vi phạm ở Công an TP.Biên Hòa, bị cáo Sinh thừa nhận là người có vai trò chính trong việc lôi kéo các bị cáo khác tham gia đốt kho xe. Theo đó, Sinh cùng với Thiện chế tạo bom xăng. Sau đó, Sinh đã rủ các bị cáo khác là Thái Hàn Phong, Nguyễn Ngọc Tiền, Hoàng Văn Dương, Vũ Mộng Phong, Nguyễn Thị Chung lên kế hoạch, khảo sát địa bàn và tiến hành đốt kho xe.
Bị cáo Nguyễn Thị Chung cũng cho rằng mình không phạm tội, không tham gia nhóm cũng đưa tiền cho Thiện để mua xăng chế tạo bom. Bị cáo Hoàng Văn Dương thì cho rằng được Vũ Mộng Phong nhờ chở đi khám bệnh vào ban đêm, đến khu vực Amata (TP.Biên Hòa) đợi người quen chứ không làm nhiệm vụ cảnh giới.
Các bị cáo khác là Thái Hàn Phong, Vũ Mộng Phong cũng phủ nhận hành vi tham gia cản địa và cảnh giới trong vụ đốt kho xe.
Các bị cáo hoàn toàn ý thức được hành vi phạm tội
Đại diện Viện KSND TP.HCM nhận định lời khai của các bị cáo tại phiên tòa cũng như tại cơ quan điều tra, đều phù hợp với nhau và phù hợp với tình tiết vụ án. Các bị cáo hoàn toàn nhận thức được hành vi của mình, các bị cáo không bị ép cung, nhục hình. Hành vi phạm tội của các bị cáo đã xâm phạm đến an ninh quốc gia, sự vững mạnh của chế độ chính trị, là mối quan hệ đặc biệt quan trọng mà pháp luật bảo vệ.
Trong đó, bị cáo Thiện, Sinh là người chủ mưu, lên kế hoạch, phân công các bị cáo khác thực hiện việc đặt bom xăng khủng bố tại sân bay Tân Sơn Nhất, đốt kho xe vi phạm ở Đồng Nai và các vụ khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân tại các địa điểm khác.
Các bị cáo khác có vai trò đồng phạm giúp sức, tham gia vào tổ chức phản động "Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời" tại nước ngoài do Đào Minh Quân và Phạm Lisa cầm đầu. Tổ chức này nhắm vào người trẻ tuổi tại Việt Nam, có trình độ học vấn thấp, không có việc làm. Trong vụ án này, người trẻ tuổi nhất mới 20 tuổi. Các bị cáo chỉ thấy mặt trái mà không thấy mặt tích cực của xã hội, dễ dàng bị kích động, lôi kéo của các thế lực phản động.
Đối với Đào Minh Quân và Phạm Lisa, do đang ở nước ngoài nên sẽ tách vụ án, Cơ quan chức năng đã phát lệnh truy nã, khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận của các luật sư
Nguồn: Thanh Niên