Năm 2018, sẽ có 21 Luật và Bộ luật có hiệu lực thi hành. Đáng chú ý trong đó có nhiều luật quan trọng như luật hình sự, luật thi hành tạm giữ, tạm giam, luật quản lý và sử dụng nợ công…
Bộ luật Hình sự có hiệu lực từ ngày 1/1/2018
Từ ngày 1/1/2018, Bộ luật hình sự đã được sửa đổi, bổ sung và các luật liên quan gồm Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13 và Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13 chính thức có hiệu lực.
Theo đó, kể từ ngày 1/1/2018, tất cả các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án đối với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 1/1/2018.
Các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 1/1/2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích.
Luật Hình sự năm 2015 có những thay đổi nhiều, đặc biệt là về hình phạt đối với một số tội danh so với Bộ luật hình sự 1999, nhiều tội đã bỏ mức án cao nhất là án tử hình và án chung thân.
Cụ thể, đối với tội Cướp tài sản thì Bộ luật hình sự năm 1999 quy định nếu gây thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc làm chết người, chiếm đoạt tài sản trên 500 triệu đồng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì người tội phạm sẽ phải chịu mức án tử hình. Theo Bộ luật hình sự năm 2015 thì quy định về tội danh này được giữ nguyên nhưng bỏ án tử hình, mức phạt cao nhất là án chung thân.
Với tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia, Bộ luật Hình sự 2015, tội này quy định chỉ thay đổi mức án cao nhất là tù chung thân. Trước đó, theo điều 231 Bộ luật Hình sự 1999 mức án cao nhất là tử hình.
Đối với tội "Đưa hối lộ" và tội "Hủy hoại hoặc Cố ý làm hư hỏng tài sản", Bộ luật Hình sự sửa đổi 2015 mức hình phạt cao nhất còn 20 năm tù. Trước đó, mức cao nhất là chung thân.
Tương tự, các tội danh khác như: Trộm cắp tài sản; Trốn đi nước ngoài; Tội Công nhiên chiếm đoạt tài sản; Tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản; Tội Khai báo hoặc tự nguyện làm việc cho địch khi bị bắt làm tù binh; Tội Bỏ vị trí chiến đấu hoặc không làm nhiệm vụ trong chiến đấu; Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản có hình phạt cao nhất là tù chung thân tại Bộ luật hình sự 1999, đến Bộ luật hình sự 2015 mức hình phạt cao nhất cho các tội danh này là 20 năm tù.
Ngoài ra, Bộ luật hình sự 2015 còn nhiều điểm mới khác.
Nhiều luật mới có hiệu lực thi hành năm 2018
Ngoài Bộ luật Hình sự, còn nhiều Bộ luật, Luật sẽ có hiệu lực thi hành năm 2018 như Luật Tín ngưỡng, tôn giáo của Quốc hội, số 02/2016/QH14. Có hiệu lực ngày 1/1/2018; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Quốc hội, số 04/2017/QH14, có hiệu lực ngày 1/1/2018.
Ngày 1/1/2018 nhiều luật khác có hiệu lực như Luật Quản lý ngoại thương của Quốc hội, số 05/2017/QH14; Luật Du lịch của Quốc hội, số 09/2017/QH14; Luật Trợ giúp pháp lý của Quốc hội, số 11/2017/QH14; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 của Quốc hội, số 12/2017/QH14; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công của Quốc hội, số 15/2017/QH14
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng của Quốc hội, số 17/2017/QH14, có hiệu lực ngày 15/1/2018.
Bắt đầu từ ngày 1/7/2018, nhiều Luật có hiệu lực thi hành như Luật Tiếp cận thông tin của Quốc hội, số 104/2016/QH13; Luật Đường sắt của Quốc hội, số 06/2017/QH14; Luật Chuyển giao công nghệ của Quốc hội, số 07/2017/QH14; Luật Thủy lợi của Quốc hội, số 08/2017/QH14; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước của Quốc hội, số 10/2017/QH14; Luật Cảnh vệ của Quốc hội, số 13/2017/QH14; Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ của Quốc hội, số 14/2017/QH14; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cơ quan đại diện nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài của Quốc hội, số 19/2017/QH14; Luật Quản lý nợ công của Quốc hội, số 20/2017/QH14.
Nguồn: Kiến Thức