PV: Thưa PGS.TS Bùi Hiền, từng tốt nghiệp Phó Tiến sĩ chuyên ngành tiếng Nga ở Liên Xô và là một nhà giáo có gần 30 năm công tác giảng dạy Tiếng Nga, tại sao ông lại bắt tay nghiên cứu một công trình về Tiếng Việt?
PGS.TS Bùi Hiền: Tháng 10/1955, sau khi học 2 năm tiếng Nga ở Trung Quốc trở về, tôi được giao phụ trách ban tiếng Nga của trường Ngoại ngữ mới thành lập ở Hà Nội. Năm 1967, Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội được thành lập (do trường ĐH Sư phạm Hà Nội và trường Ngoại ngữ sáp nhập), tôi phụ trách khoa Tiếng Nga của trường này. Sau đó, từ năm 1969-1972 thì tiếp tục sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh phó tiến sĩ rồi lại trở về Việt Nam công tác.
Chính việc theo học, tìm hiểu sau về chuyên ngành Tiếng Nga mà tôi nảy ra những ý tưởng cải tiến tiếng Việt. Bởi lẽ, chữ Việt mình rất tốt rồi nhưng so với chữ Nga thì khá rối rắm. Tiếng Nga thực hiện khá hoàn hảo nguyên tắc một chữ biểu hiện một âm.
Sau này, có dịp tham gia hội thảo của Viện Khoa học xã hội nghiên cứu về sự trong sáng tiếng Việt, trong đó có chữ Việt, tôi bắt đầu suy nghĩ, tại sao mình không làm đơn giản tiếng Việt. Đó là xuất phát để tôi nghiên cứu cải tiến chữ quốc ngữ.
Tôi cũng xin nhấn mạnh, tôi nhắm vào cải tiến chữ viết chữ không phải cách phát âm của tiếng Việt. Nghĩa là phát âm vẫn giữ nguyên, chỉ là cải tiến cách viết.
- Được biết công trình cải tiến chữ quốc ngữ của PGS thực hiện trong 40 năm, nhiều người tò mò sao công trình này "ngốn" nhiều thời gian đến vậy?
PGS.TS Bùi Hiền: Nói 40 năm — đó là từ khi bắt đầu ý tưởng nghiên cứu đến lúc hoàn thành. Còn công việc chính của tôi là dạy ngôn ngữ Nga.
Đơn giản tôi thấy chữ Việt lộn xộn thế tại sao không cải tiến. Tôi không xem nó là công việc phụ. Đó là việc tôi cần làm nhưng không phải làm một cách thúc bách hàng ngày. Lúc nào rỗi thì tôi bắt tay giải quyết, chứ không phải 30-40 năm mới xong công trình.
- Động lực nào khiến ông không "bỏ bẵng" ý tưởng cải tiến tiếng Việt mà tiếp tục nghiên cứu dù biết rằng nó rất khó và dù nghiên cứu của ông từng không được quan tâm?
PGS.TS Bùi Hiền: Xuất phát từ chính kinh nghiệm bản thân khi sử dụng tiếng Việt. Tôi ngoài viết sách cũng thường xuyên viết báo gửi đăng. Và không ít lần khổ sở vì lỗi chính tả tiếng Việt, phân biệt s — x, tr — ch, không tra là mắc lỗi.
Chẳng hạn, cụm từ "Trân Châu Cảng" nếu không phải người học chuyên Văn hay ngôn ngữ rất dễ nhầm. Hay trong từ "sắp xếp", tại sao lại là "sắp" mà không phải là "xắp" — có lí do gì không? Rõ ràng, nó gây khó khăn cho người đọc, người viết, nhiều người sống đến hết đời vẫn mắc lỗi chính tả.
Thêm nữa, tôi có nhiều con nhiều cháu. Thật kì cục khi các cháu học 1-2 năm vẫn chưa "vỡ lòng" được tiếng Việt vì một lẽ tiếng mình quá phức tạp, rối rắm. Người phải chọn từ trong một "đống chữ", nhiều khi không biết phải chọn gì.
Động lực nghiên cứu của tôi là làm nhẹ công sức người học, người dùng — từ chỗ đó tiết kiệm và thuận lợi. Tự bản thân tôi thấy công việc có ích, có lợi cho mọi người thì làm, chứ không ai thuê, ai bắt tôi làm.
Tôi càng không được bất kì ai trả một đồng xu/xin ai một đồng xu nào để làm nghiên cứu. Ai đồng ý thì ủng hộ, ai không đồng ý thì thôi.
- Gia đình có ủng hộ PGS thực hiện nghiên cứu này không?
PGS.TS Bùi Hiền: Bà vợ tôi mấy chục năm nay ở nước ngoài (Ba Lan) chăm con, gia đình không khuyến khích nhưng cũng không cấm cản. Một mình tôi ở Hà Nội, vừa giảng dạy vừa nghiên cứu. Những lúc một mình tôi đi lang thang, cà phê suy ngẫm hướng cải tiến chữ viết.
"Tôi đã có áo giáp chân lý!"
PGS.TS Bùi Hiền: Đúng là tôi bị "ném đá" không tiếc tay. Tôi có đọc được bình luận của một người bạn trong giới nghiên cứu là nhà văn Chu Lai. Ông nói rằng không ủng hộ cách cải tiến ngôn ngữ của tôi nhưng trân trọng tinh thần nghiên cứu và lo rằng, tôi sẽ không trụ nổi trước những làn sóng dư luận sục sôi. Nhưng tôi không sao hết.
Thậm chí có kẻ còn nguyền rủa "lão già nên chết đi", tôi đọc chỉ thấy buồn cười.
Người nhà, bạn bè lo tôi sẽ bị đột quỵ nhưng tôi đã có "áo giáp chân lý". Tôi tin vào sự đúng đắn, bây giờ người ta chưa hiểu thì có một ngày nào đó sau này họ sẽ hiểu, mà không hiểu thì cũng thôi.
- Người bình thường đa phần phản đối ý tưởng cải tiến của PGS. Vậy những người trong giới nghiên cứu có ai ủng hộ không, thưa ông?
PGS.TS Bùi Hiền: Cũng có người nhìn ra giá trị của việc cải tiến tiếng Việt. Chẳng hạn, GS Ngô Như Bình — Chủ nhiệm chương trình tiếng Việt tại bộ môn Ngôn ngữ và Văn minh Đông Á của ĐH Harvard (Mỹ) — một người dạy tiếng Việt ở nước ngoài đã "vấp" phải những khó khăn như tôi trăn trở. Ông cũng có nhiều cải tiến giống tôi và giống Bác Hồ thời xưa (ví dụ dùng chữ z thôi chứ không cần d hay gi).
PGS.TS Bùi Hiền: Muốn cải tiến chữ quốc ngữ thì phải sửa nhiều thứ, vì nó là hệ thống, cái này quan hệ với cái kia. Làm mãi mà không được nên đa phần các nhà ngôn ngữ trước nay đều chán mà bỏ.
Nhiều nhà Việt học khuyên tôi: "Thôi, ông đừng làm, làm mãi chả được mất công thì giờ", "cái ông già hoài hơi để thời gian mà nghỉ", "ông này già rồi chẳng có việc gì làm nên làm cho vui"… Tôi nghĩ khác. Tôi đang làm việc có ích, ai thấy vô bổ kệ người ta. Tôi nghiên cứu để có thể ứng dụng vào thực tế giúp viết tiếng Việt dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Giờ tôi tuổi tác đã cao, vợ con luôn nhắc "ông ngồi ngâm cứu gì lắm thế". Tiếng Việt làm đến nghiên cứu này đối với tôi đã là quá lớn.
Bao năm qua, tôi nghiên cứu khoa học không vì đồng tiền. Bản thân có mất bao nhiêu tiền đầu tư sách vở, thời gian, tâm huyết. Nhận phản ứng gay gắt tư dư luận tôi không sốc nhưng chỉ không ngờ nhiều người lại phản ứng quá thiếu văn hóa mà thôi. Bây giờ làm xong tôi đưa ra nhận ý kiến mọi người, theo dõi và chắt lọc để chỉnh lý hoàn thiện (nếu có). Song song, tôi hiện đang tiếp tục hoàn thiện một nghiên cứu về tiếng Nga.
Xin cảm ơn những chia sẻ cởi mở của PGS!
PGS.TS Bùi Hiền (quê ở Hạ Hòa, Phú Thọ) vốn mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, ông đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ và ý chí vươn lên để trở thành một nhà khoa học nghiêm túc, tâm huyết.
Ông là tác giả của hàng chục cuốn sách giáo khoa, sách giáo viên, sách đọc thêm tiếng Nga cho trường phổ thông, 4 bộ từ điển các loại, trong đó có bộ "Từ điển giáo khoa Nga — Việt" dày 1.800 trang được gắn hai Huy chương quốc tế là "Bussiness initiative directions" và "International gold star for quality".
Dù đã nghỉ hưu nhiều năm nay, PGS Bùi Hiền vẫn không ngừng nghiên cứu và sáng tạo để cùng đồng nghiệp hoàn thành cuốn Giáo khoa Nga — Việt kể trên vào đúng dịp Tổng thống V.Putin sang thăm Việt Nam (2001) và đang gấp rút hoàn thành cuốn "Từ điển giáo khoa Việt — Nga" (khoảng 1.500 trang với 20.000 từ) vào cuối năm 2006.
Ông đã được tặng thưởng Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng II; Huy chương Puskin vì thành tích truyền bá tiếng Nga; Huy chương "Cán bộ ưu tú ngành xuất bản Liên Xô".
Nguồn: Dân Trí