Trong vụ án này, đối với tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, ông Đinh La Thăng được xác định là người chủ mưu. Cùng bị truy tố với ông Thăng về tội danh này có 13 bị can. Đối với tội Tham ô tài sản có 10 bị cáo bị truy tố. Với tội danh này, Trịnh Xuân Thanh được xác định là người chủ mưu.
Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch HĐTV của PVN có vai trò chính trong việc đề ra chủ trương và chỉ định PVC thực hiện gói thầu EPC, chỉ đạo PVPower ký hợp đồng EPC số 33 với PVC trái quy định. Sau đó, ông Thăng chỉ đạo cấp dưới tại PVN và Ban quản lý dự án căn cứ vào hợp đồng trên cấp tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỷ đồng cho PVC để bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng sai mục đích gần 1.116 tỷ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 120 tỷ đồng. Hành vi của ông Đinh La Thăng đã bị truy tố theo Khoản 3 Điều 165 tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (có hình phạt từ 10 đến 20 năm tù).
Cơ quan tiến hành tố tụng nhận xét, trong quá trình điều tra, ông Thăng thừa nhận có sai phạm trong việc chỉ đạo thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 với tư cách là người đứng đầu. Ông Thăng có nhiều thành tích trong quá trình công tác là tình tiết để xem xét khi Tòa quyết định hình phạt.
Trong vụ án này, có cùng hành vi với ông Thăng là các ông Phùng Đình Thực, nguyên Tổng GĐ của PVN; Nguyễn Quốc Khánh, nguyên Phó Tổng GĐ của PVN; Vũ Đức Thuận, nguyên Tổng GĐ của PVC; Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng, nguyên Trưởng ban Tài chính Kế toán của PVN; Lê Đình Mậu, nguyên Phó trưởng Ban Tài chính Kế toán Kiểm toán PVN… đều được Viện KSND Tối cao có chung nhận xét "thành khẩn khai nhận và có nhiều thành tích trong quá trình công tác là những tình tiết cần được xem xét khi quyết định hình phạt".
Đối với tội Tham ô tài sản, có 9/10 bị cáo bị truy tố cũng có được nhận xét tương tự. Có 6/10 người nộp lại tiền khắc phục hậu quả. Có 3 người tuy thực hiện hành vi giúp sức cho Trịnh Xuân Thanh nhưng không được hưởng lợi gì.
Theo luật sư Nguyễn Quang Tiến (Đoàn luật sư TP.Hà Nội), trong vụ án hình sự, người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và có nhiều thành tích trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác là hai tình tiết giảm nhẹ định khung được quy định tại Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự.
Trong vụ án này, chỉ duy nhất có trường hợp của Trịnh Xuân Thanh là người bị cơ quan tiến hành tố tụng có nhận xét khác. Theo cáo trạng, trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Trịnh Xuân Thanh giữ vai trò là Chủ tịch HĐQT của PVC, đã có hành vi chỉ đạo Vũ Đức Thuận ký hợp đồng EPC số 33 để PVC được nhận tạm ứng hơn 6,6 triệu USD và hơn 1.312 tỷ đồng; quyết định sử dụng gần 1.116 tỷ đồng trong số tiền tạm ứng vào mục đích khác, không đưa vào dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, gây thiệt hại cho Nhà nước gần 120 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Trịnh Xuân Thanh còn đề ra chủ trương cùng Vũ Đức Thuận chỉ đạo Nguyễn Anh Minh, Lương Văn Hòa lập hồ sơ rút hơn 13 tỷ đồng từ Ban điều hành dự án Vũng Áng — Quảng Trạch để chia nhau sử dụng cá nhân. Trong đó, Trịnh Xuân Thanh đưa chia 4 tỷ đồng và sử dụng chung 1,5 tỷ đồng cùng Vũ Đức Thuận, Nguyễn Anh Minh, Bùi Mạnh Hiển.
Hành vi của Trịnh Xuân Thanh bị truy tố về hai tội: tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội Tham ô tài sản. Các cơ quan tiến hành tố tụng cho biết, trong quá trình điều tra, Trịnh Xuân Thanh không khai báo thành khẩn, quanh co chối tội, đặc biệt sau khi phạm tội đã bỏ trốn gây khó khăn, cản trở quá trình điều tra. Đó là tình tiết cần xem xét để áp dụng hình phạt nghiêm khắc.
Nguồn: Dân Việt